Đây là phần 4 trong loạt bài viết Tôi và cờ vua
Tôi quay lại, thấy nhóc Thiện – 9 tuổi đang tấm tức khóc.
Thầy Tú cũng ngơ ngác, chưa kịp hiểu chuyện gì.
Rồi, tôi nhanh chóng bước lại gần, đóng vai ông bụt và hỏi:
– Tại sao con khóc?
Vẫn giọt ngắn giọt dài, nhóc Thiện càng như muốn khóc to hơn:
– Bài tập khó quá… hức… mà mấy thầy… hức… chẳng chịu giúp con gì cả!
Tôi cố nín cười.
– Thôi, ngẩng mặt lên nhìn thầy nè. Bình thường trong lớp học văn hóa, con được hướng dẫn rằng mình nên bỏ qua câu khó, để đó làm sau, có phải không?… Nhưng ở đây, trong lớp học này, thầy lại thấy con không bỏ cuộc, đã cố gắng để làm bài tập. Điều đó rất đáng khen. Bài tập này thầy soạn, thầy có thể thậm chí giải giúp con, nhưng thầy sẽ không làm vậy, biết tại sao không?
Nhóc Thiện lắc đầu. Tôi dừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Khi con chơi cờ vua, bài học lớn nhất mà con được học là tinh thần tự lực. Trong lớp học, chung quanh con có bạn, cùng nghe giảng chung, cùng sinh hoạt, cùng vui. Nhưng khi con bắt đầu một ván cờ, con chỉ có một mình. Khi con gặp một nước đi khó, con không thể bỏ lượt hay dành để giải quyết sau, mà phải tự suy nghĩ, phải tự dựa vào bản thân để đưa ra câu trả lời cho mình để vượt qua thời điểm đó. Làm bài tập cũng vậy. Trước tiên con phải tự cố gắng hết sức đã, rồi hãy yêu cầu sự giúp đỡ của người khác. Đi rửa mặt, và xếp cờ ra cho dễ nhìn, dễ suy nghĩ. Nếu lúc đó mà vẫn không được thì thấy mới gợi ý một chút.
Nhóc Thiện đi rửa mặt – một cách ngoan ngoãn. Tôi lại bận bịu với các học sinh khác. Một chốc sau, tôi quay lại chỗ nhóc và hỏi:
– Sao rồi?
– Con tự làm được rồi.
– Vậy là đâu cần thầy giúp nữa, phải không?
– Dạ (lần này cười tươi tỉnh.)
bài viết có liên quan