7 phút để đọc

Bỏ cuộc…

Đây là phần 5 trong loạt bài viết Tôi và cờ vua

Mình có một nhóc học trò, chơi cờ chỉ muốn lăm le chiếu bí đối thủ.

Tiến trình ra quân vẫn có sai lầm, thậm chí là tự tạo những điểm yếu bên phần sân nhà. Nhưng quan trọng là cậu nhóc sắp xếp ra được sơ đồ chiếu bí. Và ở lứa u6-7 thì vậy cũng đã là khá ổn.

Cho đến một hôm… mình vô tình thấy một ván cờ nhóc chơi với bạn.

– Tại sao con lại bỏ cuộc? Quân thì còn nhiều, và cờ thì chỉ mới thua hai chốt thôi mà!

– Nhưng mất Hậu rồi, con không thể đi chiếu bí được – cậu nhóc nói với một vẻ chán nản ra mặt.

Mình đứng hình mất một lúc.

Đây có lẽ cũng là câu chuyện chung của nhiều kỳ thủ nhí. Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy nói về một chủ đề có vẻ khá kỳ quặc – nhưng lại diễn ra rất nhiều trong cờ vua: Khi nào thì nên bỏ cuộc?

Hãy làm rõ điều này: Ý mình nói bỏ cuộc nghĩa là xin thua, bắt tay, xếp cờ lại. Không bỏ cuộc nghĩa là tiếp tục cố gắng chiến đấu, tìm kiếm cơ hội để có điểm, chứ không phải là ngồi lì ra khi đối thủ chuẩn bị chiếu bí một nước, hoặc giả ngắt kết nối mạng (nếu bạn chơi online) để đối thủ không thể thắng. Những hành động này thật không đẹp chút nào. Mình tin là những độc giả của mình sẽ không bao giờ làm vậy!

Okay. Vào đề nào! Đầu tiên, mình xin trích dẫn lại một câu nói rất hay của Savielly Tartakower:

“No game was ever won by resigning”

Chưa ai từng thắng ván cờ bằng cách bỏ cuộc cả!

Câu nói này đã tóm tắt được khá nhiều vấn đề của chúng ta.

Nếu bạn muốn thắng và cờ vẫn còn cơ hội

(như nhóc học trò kể trên của mình) thì không nên bỏ cuộc. Có thể là bạn không thích thế cờ mình đang có, ví dụ như chốt chồng hay thua về chất. Thậm chí, với các kỳ thủ nhí, hơn quân chưa chắc đã đảm bảo chiến thắng. Hãy cứ cố gắng tìm cách gây càng nhiều khó khăn cho đối thủ càng tốt (Ý mình là đi những nước đi khiến đối thủ phải cân nhắc, chứ không phải câu giờ hay gây ức chế, làm đối thủ mất tập trung đâu nhé!). Nếu áp lực bạn tạo ra là đủ lớn, nhiều khả năng đối thủ sẽ phạm phải sai lầm, bạn vẫn có cơ may có kết quả tốt. Nhược bằng đối thủ thi đấu ổn định và vượt qua được những thử thách của bạn,  bạn cũng chẳng mất gì – ngoài chút thời gian để đổi lấy “cảm giác mạnh”, tận hưởng những khoảnh khắc tranh đấu đầy sôi nổi của ván cờ. Hãy chúc mừng đối thủ sau khi trận đấu kết thúc, vì đã chiến thắng một cách xứng đáng.

Vậy nếu bạn cảm thấy mình đang thua thì sao?

Nếu đó là một ván cờ tiêu chuẩn, và thế cờ bạn đang đối diện nghiêng hẳn về kĩ thuật, (ví dụ như Vua chống Vua 3 chốt thông; Vua chống Vua – Hậu) đối thủ thì còn rất nhiều thời gian, đối thủ có kinh nghiệm thi đấu và đẳng cấp hơn bạn, và bạn biết rõ đối thủ là một kỳ thủ cẩn thận, không có thói quen ngủ quên trên chiến thắng. Okay, vậy bạn có thể cân nhắc bỏ cuộc.

Nếu một trong những điều kiện trên không tồn tại, hãy khoan bỏ cuộc, cố gắng tranh đấu cho một kết quả hòa, và có thể, bạn còn nhận lại được nhiều hơn như vậy.

Thậm chí, bạn không nên sợ hãi dù phải đương đầu với Đại kiện tướng đi chăng nữa

Nếu đọc bài viết này, bạn sẽ thấy nhà Gary Kasparov thắng cờ nhưng lại thua do hết giờ. Thử hỏi nếu đối thủ của ông không kiên trì cố gắng đến giây cuối cùng, vội buông xuôi khi vừa gặp bất lợi, liệu có thể nào chiến thắng không?

Bobby Fishcher cũng từng thua cuộc khá khôi hài trong một thế trận cân bằng:

Nhìn nhanh qua thế cờ, bạn sẽ tự hỏi: chuyện gì diễn ra ở nước đi thứ 12 vậy? sao Fischer lại đi h5? Dân cờ cũng đã đau đầu tìm câu trả lời cho vụ này. Cho đến khi sự thật được hé lộ: Bobby đã chạm vào chốt h, và định đi đến h6, nhưng rồi ông chợt nhận ra là Trắng có thể không ngần ngai mà chơi 13.Bxh6. Vì vậy, chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn là nhắm mắt đưa tay, đẩy chốt đến h5…

Thật tội nghiệp Fischer – chút sai lầm đã dẫn đến ván một trong những ván thua chóng vánh nhất trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên nếu so ra thì Fischer cũng còn đỡ nhọ hơn Karpov. Karpov từng thua do lỗi chạm quân, trong một thế cờ chuẩn bị thắng đến nơi:

Thậm chí đương kim vô địch thế giới Magnus Carlsen cũng… thua do luật chạm quân (phút 9:07 trong video bên dưới). Gương mặt biểu cảm của Carlsen lúc đó… thật vô giá. Trong cờ vua, chuyện gì cũng có thể xảy ra được, phải không?

Fischer, Karpov, Carlsen đều là những nhà vô địch thế giới. Họ đều có khả năng phạm phải sai lầm. Vậy thì, đối thủ của bạn cũng sẽ có rất nhiều khả năng sẽ phạm sai lầm. Hãy cứ tin là vậy, và bình tĩnh tiếp tục cuộc chiến. Đừng hi vọng quá nhiều, cứ tiếp tục hết sức có thể. Có thể bạn sẽ may mắn được đối thủ đút quân, hoặc hết giờ, hoặc phạm lỗi kĩ thuật. Hoặc cũng có thể, bạn sẽ tạo ra được kì tích bằng chính sức mình, bằng những gì còn lại trên bàn cờ. Bạn hãy nhìn biểu đồ cờ bên dưới, và thử tìm cách giúp Trắng chiến thắng xem sao. Lời giải hơi dài, đến tận 64 nước.

hình ảnh bài viết Bỏ cuộc...Bấm nút lần nữa để tắt/bật lại chế độ tương tác. Bạn sẽ biết khi nào mình nên… bấm nút.

Tình huốngLời giải

Hậu Trắng như một tay thiện xạ, bắn tỉa từng quân cờ của Đen, để rồi đi đến chiến thắng đầy vinh quang của Trắng. Mình thật sự rất muốn nói rằng, bạn không nên bỏ cuộc, cho đến khi không còn quân cờ nào khác ngoài Vua để chiến đấu.

Và rồi, thế cờ bên dưới đã chứng minh rằng nhận định của mình là…sai. Hành trang còn lại chỉ là Vua và chốt. Chốt là chốt chứ không thể tính là quân cờ. Nhưng…

TRẮNG ĐI TRƯỚC VÀ THẮNG! THẬT ĐẤY!

Thế cờ hi vọngLời giải

Sau cùng, mình muốn kết luận như sau: Người chiến thắng sẽ không bỏ cuộc, người cứ hay bỏ cuộc thì không thể chiến thắng.

Với các kỳ thủ mới tập chơi và ít kinh nghiệm: Đừng bao giờ bỏ cuộc. Cùng lắm thì bị chiếu bí.

Mình từng đọc đâu đó trong một quyển sách cờ, tác giả viết rằng: “My opponent was shock by the combination but, with sportsmanship, he allowed me to deliver a checkmate.” Mình đồng tình với quan điềm này. Để đối thủ có thể thực hiện đòn chiếu bí là tinh thần thể thao rất đáng trân trọng. Suy cho cùng, mục tiêu của ván cờ là chiếu bí. Đó là phần thưởng sau rất nhiều tình huống khó của ván cờ, có phải không? Với các kỳ thủ đã từng tham dự các giải thi đấu, bạn sẽ biết khi nào thì nên dừng lại. Giải đấu không chỉ có một trận, và bạn còn cần giữ sức cho các vòng đấu khác.

Về cờ vua là vậy. Còn trong cuộc sống, mình hi vọng tất cả chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc, dù cho có gặp phải nghịch cảnh nào… 🙂

5 5 votes
Tặng sao khích lệ:

Cùng loạt bài viết Tôi và cờ vua  

<< Trên bàn cờ, con chỉ có một mình

Phụ huynh ơi, sau ván đấu đừng chỉ hỏi con trẻ “thắng hay thua” >>

Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Tuấn Long

Tuấn Long

Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng Blog cờ vua sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
4 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Huy Quang Phạm
Huy Quang Phạm
6 years ago

hay quá thầy ơi, tự nhiên có tên con

Huy Quang Phạm
Huy Quang Phạm
6 years ago

thế cờ hy vọng con thuộc lời giải rồi

Linh
Linh
3 years ago

Bài viết ý nghĩa.Cảm ơn anh !

4
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x