8 phút để đọc 

Làm sao để xây dựng và duy trì niềm đam mê cờ vua nơi trẻ nhỏ

Qua form liên hệ, mình đã nhận được một câu hỏi rất thú vị của một phụ huynh, về việc phải làm sao để có thể xây dựng và giữ được đam mê chơi cờ cho hai con nhỏ: một bé gái 6 tuổi và một bé gái 9 tuổi. Đây là một câu hỏi rất thú vị,  vậy nên mình viết hẳn một bài để bàn về việc này, rất mong nhận đượ đóng góp của các ba/mẹ.

Mình nghĩ, trước tiên ta nên lần ngược lại và tự trả lời câu hỏi: “Tại sao ta – một người lớn – lại thích thú – đam mê chơi cờ vua”, và rồi, sau khi giải mã xong, ta mới có thể hướng dẫn, vun đắp cho các bạn nhỏ.

 A.  Điều gì ở cờ vua khiến kỳ thủ thích thú, đam mê?

Với cá nhân mình, cờ vua trước tiên là một trò chơi mà tự bản thân nó đã rất thu hút, là vì:

 1.   Trên bàn cờ, nước đi thể hiện suy nghĩ của chính kỳ thủ

Tự do. Mình tự do chọn lựa phương án, cách đi quân, cách tiếp cận với nước đi của đối thủ. Không ai có quyền bắt buộc mình phải đi Tượng, khi mình có ý định đi Xe.

Điều gì khiến ta say mê, thích thú với cờ vua?

Với mình, sự tự do ấy rất đáng trân trọng vì trong cuộc sống ngoài đời thật, chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Với trẻ nhỏ, sự ảnh hưởng đó là những hình ảnh rất quen thuộc, ví như bị bắt phải học bài trong khi trẻ đang muốn xem ti vi hay đọc truyện; phải ăn cơm ở nhà trong khi thích món gà rán và khoai tây hơn. Dĩ nhiên là mọi sự đều có lý, ba mẹ luôn muốn sự tốt nhất cho con mình nhưng nhìn chung, trẻ sẽ thường có cảm giác bị áp đặt.

 2.  Quyền được phạm sai lầm

Cùng lắm thì thua, thua trong một trò chơi, thua khi đã cố gắng triển khai một ý tưởng sáng tạo nào đó. Thua, nhưng là kinh nghiệm để tốt hơn trong những ván cờ sau.

Trong giai đoạn mới tập chơi, yếu tố này là một sự khích lệ cần thiết. Khi phát triển thành một kỳ thủ chuyên nghiệp, mỗi ván đấu của bạn – dù là giao hữu – cũng không còn được thoải mái như vậy nữa. Lúc đó, câu chuyện đã trở thành “chiến đấu vì tên tuổi, vì thương hiệu”. Vì lẽ này, ta thấy có nhiều trận thi đấu đỉnh cao giữa các tay cờ lại diễn ra… vô cùng chán, với thế trận bình ổn từ đầu đến cuối.

Với trẻ nhỏ thì quyền được phạm sai lầm  như một sự giải tỏa, vì trong cuộc sống bình thường các em cũng không thường xuyên “được” phạm lỗi. Ở nhà thì phải làm con ngoan, đến trường thì phải là “trò giỏi”…

hình ảnh bài viết Làm sao để xây dựng và duy trì niềm đam mê cờ vua nơi trẻ nhỏ

 3.  Tính bất ngờ

Trong cuộc đời chơi cờ của mình, rất hiếm khi mình có thể lặp lại một ván cờ của quá khứ. Họa chăng chỉ là những cái bẫy khai cuộc quen thuộc mà đấu thủ tự dưng nạp mạng.

Mỗi ván cờ đều như một thế giới mới. Sau khi đã vượt qua giai đoạn khai cuộc, cuộc chiến trở nên thật sự hấp dẫn – mỗi nước đi đều mở cánh cửa đến một vùng đất mới… Điều này trái ngược hẳn với việc học đàn: khi ta tập đàn một bài nhạc, dù có thành thục thì sau cùng bài nhạc đó vẫn là những tổ hợp giai điệu mà ta đã biết trước…

 4.  Tính đối kháng, tính thử thách

 Ta không thể tự chơi một ván cờ. Phải có ai đó cùng mình thi thố. Và dù thua hay thắng thì sau đó ta sẽ muốn… thắng tiếp. Cảm giác muốn thắng, và sự tự tin rằng “mình làm được”; “mình có thể thắng” là động lực để thúc đẩy. Trong cuộc sống, chẳng phải là chúng ta cũng sẽ chán, sẽ bỏ cuộc nếu không còn cảm giác muốn thắng, đánh mất sự tin tưởng đấy sao?

 5.  Sự chia sẻ

Khi còn nhỏ, thế giới của mình nhỏ lắm. Vì vậy, còn gì bằng khi những người thân thuộc nhất cùng chia sẻ sở thích, cùng phát triển? Và quả thực, trong những ngày niên thiếu, mình đã có em trai, một người thầy hướng dẫn đáng mến và những người bạn, những anh em đồng học cùng theo đuổi niềm vui trên bàn cờ.

Với các phụ huynh, có thể vì động cơ muốn trẻ phát triển trí não, cải thiện sự tập trung… Nhưng theo mình thì có lẽ trẻ chẳng quan tâm gì mấy.

Trẻ nhỏ có xu hướng ngưỡng mộ và bắt chước ba mẹ. Vậy nên nếu ba mẹ có thể sử dụng thế giới quan của trẻ để kể cho trẻ nghe tại sao cờ vua thu hút với ba mẹ đến vậy, trẻ sẽ dần hiểu được và tiếp nhận quan điểm một cách tích cực. Mưa dầm thấm lâu.

 B.  Làm sao để bồi dưỡng niềm đam mê?

Theo quan điểm của mình, có một công thức có thể sử dụng được, đó là:

Một ít thành công + Niềm vui +  Sự chia sẻ
Cả ba yếu tố này có mức quan trọng như nhau. Nếu chỉ chú ý vào một yếu tố thì dễ… hỏng.

 1.  Một ít thành công

Tất cả sự học tập, thực hành mà trường lớp hay các huấn luyện viên thực hiện: hướng dẫn đòn chiến thuật, khai cuộc hay cờ tàn đều chỉ để tăng cảm giác quen thuộc, sự tự tin để  xử lý nước đi. Sau đó, sự tự tin “mình có thể chiến thắng” sẽ dẫn dắt trẻ đến những chiến thắng thật sự. Người ta thường bảo “có đam mê thì sẽ thành công”. Nhưng mình nghĩ ngược lại. Phải có một ít thành công trước đã, rồi mới có thể phát triển thành đam mê.
Một ít thành công ở đây không nhất thiết phải là đánh thắng trong một ván cờ. Đó có thể là những nước đi liên tục – không phạm lỗi khai cuộc, lỗi đút quân. Đó có thể là khi nhìn ra được ẩn ý từ một nước đi của đối thủ, hay thực hành được một đòn chiến thuật đơn giản… Những việc đơn giản này cũng cần phải được ba mẹ công nhận. Trẻ có thể chưa thắng ngay một ván cờ, nhưng sự khích lệ kịp lúc sẽ cho trẻ có cảm giác có thể thành công.

 2.  Niềm vui

Thử nghĩ xem, đánh thắng để làm gì nếu không còn cảm nhận được niềm vui? Niềm vui của trẻ thì lại rất dễ bị dập tắt.

Đây là câu chuyện của mình.

Ngày trước, mình chơi cờ cùng em trai. Do chênh lệch độ tuổi, phần thắng thường thuộc về mình. Rồi một ngày kia, trong giải thi đấu ở quận, hai anh em gặp nhau. Ở trận đấu đó, mình đã thua.
Không nuốt trôi nổi thất bại, mình để sự bực tức lấn át: đập bàn, nói lớn tiếng và tỏ ra giận dữ một cách không cần thiết với em trai mình. Từ đó, em trai mình dần dần bỏ chơi cờ hẳn luôn. Hai anh em không còn những trận cờ ngô nghê và vui như thuở nhỏ.
Thời gian trôi đi, mình không còn cảm thấy một chút mảy may uất ức vì thua trận. Tất cả chỉ còn một sự nuối tiếc. Đến lúc muốn làm một cái gì đó để cứu vãn tình hình thì đã quá muộn. Mọi chuyện có thể đã khác. Rất có thể giờ này mình và em trai vẫn có thể cùng nhau chơi tiếp trò chơi của ngày xưa. Rất có thể, giờ này vẫn còn đó một kỳ thủ đầy đam mê và sáng tạo.
Những ngã rẽ cuộc đời, giờ kẻ Nam người Bắc, muốn gặp nhau còn khó khăn. 🙂
 …
Với phụ huynh câu chuyện dễ diễn ra theo chiều hướng thế này:
– Nước đi kia hay hơn, con đi lại đi.
– Dở vậy, chiếu bí một nước mà cũng không thấy!
– Sao con lại để thua bạn đó được chứ?
– Sao con học hoài mà không nhớ được…
Mình từng chứng kiến nhiều phụ huynh phạm phải những câu nói kiểu vậy (kể cả mình). Tệ hơn nữa là sự bực dọc, chán chường, hằn học đi kèm với chúng. Khi phụ huynh nhận ra những tác hại thì chuyện cũng đã rồi. Cuộc chơi đã bớt vui. Lúc này, chơi cờ giống như là một gánh nặng: Phải làm sao để không bị la mắng, chứ không còn là sự tận hưởng. Áp lực phải luôn hay, luôn giỏi, luôn đúng, sự bực dọc… sẽ dễ dàng giết chết niềm vui.

 3. Sự chia sẻ

Sự chia sẻ không đơn giản là một nút bấm, hay vài dòng khen con trên facebook. Sự chia sẻ ở đây là thực sự cùng con chơi cờ vua. Hoàn toàn tập trung. Không điện thoại. Không việc riêng. Không phán xét. Hãy cứ để ván cờ diễn ra. Như mình đã nói ở trên, nếu có ba mẹ – người thân thương nhất – đồng hành cùng từ những bước đầu tiên, trẻ sẽ giữ được đam mê lâu hơn.con trẻ với cờ vua: xây dựng và duy trì đam mê
Những chỉ dẫn mà ba mẹ muốn nói với trẻ, hãy để dành sau đó. Ba mẹ có thể ghi lại biên bản ván cờ. Khi kết thúc, ba mẹ sẽ cùng con xem lại, tìm ra những điểm tích cực để khen ngợi con trước khi nói đến những sai lầm. Nếu có hiện tượng đút quân, bỏ quân, hãy dùng câu nghi vấn chứ để con có cơ hội giải thích hoặc nhìn lại lỗi sai của mình một cách tích cực. “Nước đi này của con có ý định gì đặc biệt phải không?” sẽ dễ nghe hơn rất nhiều so với “Con lại đi sai nữa rồi!”
con trẻ với cờ vua: xây dựng và duy trì đam mêVà cũng sẽ có những lúc đứa trẻ chán chơi. Lúc này ba mẹ cần tôn trọng ý kiến của con. Có thể trẻ mệt mỏi vì cứ phải liên tục đưa ra những quyết định không chắc chắn. Đây là lúc ta cần thay đổi không khí. Thay vì chỉ chơi cờ, ta có thể có những cách luyện tập khác, ví dụ như cùng xem, cùng phân tích, bàn luận về một ván cờ hay của những kiện tướng ngày xưa. Đó là những ván cờ đầy thú vị, và trẻ cũng được cởi bỏ áp lực khi đó không phải là ván cờ của mình… Ba mẹ hãy để trẻ có thời gian phục hồi, tác động tích cực chứ đừng thúc ép.

Tóm lại thế này:

1. Phụ huynh hãy giải thích cho bé hiểu: tại sao cờ vua hấp dẫn bằng thế giới quan của một người chơi cờ, một đứa trẻ. Đừng bàn tới những kỳ vọng mà cờ vua sẽ mang lại, ví dụ như tập trung hơn, thông minh hơn… Đằng nào trẻ cũng không quan tâm, và còn có thể thấy nặng nề hơn.

2. Giữ đam mê theo công thức: Một chút thành công + Niềm vui + Sự chia sẻ. Đừng quá tập trung đến kiến thức, sức cờ… vì đó suy cho cùng chỉ là một yếu tố để trẻ có được “Một chút thành công”. Ba mẹ nên chú ý nhiều hơn đến Niềm vui và sự chia sẻ.

Mình rất hi vọng nhân được bình luận, phản hồi xây dựng từ các phụ huynh.
P/s: Bên dưới là một ván cờ rất thú vị của các kỳ thủ trong quá khứ. Mình và học trò đã cười rất sảng khoái, tưởng như không nhặt được mồm vì những nước đi “giật mình”. Ôi trời, ngày xưa người ta đánh cờ lãng mạn và sôi nổi quá…

4.4 7 votes
Tặng sao khích lệ:
Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Picture of Tuấn Long

Tuấn Long

Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng Blog cờ vua sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
4 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Đào Việt Hồng
Đào Việt Hồng
6 years ago

Chào bạn, cảm ơn vì đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực, điều này rất cần thiết vì ngày nay có rất nhiều trò game lôi cuốn trẻ nhỏ vào những thế giới ảo nơi mà những thành công đến một cách dễ dàng do đó sẽ ngăn cản sự phát triển tư duy của trẻ….

Xào xào
Xào xào
4 years ago

chào bạn, cám ơn bài viết rất có tâm của bạn. Mình dự định mở 1 lớp dạy cờ cho trẻ em ng dân tộc thiểu số vùng sâu nên vô tình đọc được bài viết của bạn. Mình tìm hiểu không phải tâm thế phụ huynh mà là tâm thế mong muốn đem lại cho trẻ em 1 trò chơi trí tuệ. Mình rất lo là sợ trẻ nhỏ sẽ không hứng thú với môn này. Mình hi vọng bạn có thể chia sẻ những câu chuyện bạn từng tiếp xúc với trẻ em và khiến chúng yên mến môn này. Rất mong được nghe thêm từ bạn 😀

4
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x