3 phút để đọc 

Từ Tích Phật “Ngón tay chỉ Trăng” qua sách của sư ông làng Mai

Ngón tay chỉ trăng

Hồi học đại học, hắn được giảng viên kể về tích ngón tay Phật chỉ trăng.

Đại loại, trong một buổi thuyết pháp, Phật nói với các đệ tử: “Khi các vị chưa thấy Trăng, thì hãy nhìn ngón tay tôi chỉ Trăng. Khi đã thấy Trăng rồi, hãy nhìn theo ánh Trăng, không cần nhìn theo tay tôi nữa”.

Ảnh minh họa: Ngón tay chỉ trăng - Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng | chess.edu.vn
Ảnh minh họa: Ngón tay chỉ trăng – Nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng

Về sau, hắn tìm hiểu thêm, thì dù câu chuyện do giảng viên kể lại có hơi khác biệt chút, nhưng với hắn cũng rất ý nghĩa.

Trong sách “Đường xưa mây trắng” của thầy Thích Nhất Hạnh, câu chuyện được kể lại như sau:

Trong một dịp đối thoại của đức Phật và du sĩ Dighanakha, đức Phật giải thích cho Dighanakha rằng giáo pháp của Phật không phải là một chủ nghĩa hay một lý thuyết. Nó không hình thành do công phu suy tư và ức đạt của trí năng, như những chủ thuyết chủ trương về bản chất của vũ trụ, cho rằng bản chất ấy là lửa, nước, là đất, là gió hay là thần linh hoặc cho rằng vũ trụ hữu hạn hay vô hạn. Giáo pháp của Phật là về những kinh nghiệm thực chứng. Những gì tôi nói ra tôi đều đã thực chứng, và ông bạn cũng có thể kiểm điểm lại bằng kinh nghiệm thực chứng của ông bạn.

“Tôi nói vạn vật là vô thường và không có tư ngã. Điều này tôi đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại, và hoại diệt, chứ không phải xuất phát từ một nguyên nhân đầu tiên nào hết. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Tôi nói quán chiếu về vô thường, vô ngã và duyên sinh thì có thể đạt tới giải thoát và an lạc. Điều này tôi cũng đã chứng nghiệm và các bạn cũng có thể chứng nghiệm. Những điều tôi nói không có mục đích thuyết minh về vũ trụ mà chỉ có mục đích hướng dẫn sự thực tập và chứng nghiệm thực tại.” 

Rồi Dighanakha mới hỏi lại Phật, rằng trong trường hợp mà có người nhận thức giáo pháp của ngài như một chủ thuyết thì sao?

Phật mới gật đầu và trả lời rằng:

“Du sĩ Dighanakha, câu hỏi của ông bạn hay lắm. Giáo pháp của tôi không phải là một chủ thuyết do trí năng tạo dựng, nhưng sau này và ngay cả bây giờ nữa, có thể đã có những người nhận giáo pháp ấy như một chủ thuyết. Tôi cần nói rõ: giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. 

Cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả.”

Và những ảnh hưởng đến cảm thọ của hắn trong việc hướng dẫn cờ vua

Phật đạo với hắn rất tuyệt vời. Đọc tích Phật qua lời thầy, hắn tin rằng con người có khả năng đạt đến bình an, có thể trở nên tốt hơn mà không cần phải có một thần thông nào cả.

Cờ vua đối với hắn cũng rất tuyệt vời. Dù không đạt đến thành công như những kỳ thủ có danh hiệu, hắn nghĩ rằng bản thân ở đó trong từng ván cờ, từng nước cờ. Sẽ có những đoạn tình huống làm hắn thấy vui, dễ chịu, lại có những tình huống làm hắn thấy khó chịu, rồi những lúc hắn không thấy dễ chịu cũng không thấy khó chịu.

Những cảm thọ này cứ xoay vần, lặp lại trong mỗi ván cờ. Chúng cũng tựa như những cảm thọ mà con người sẽ phải trải qua trong cuộc sống vậy. Hắn tin rằng, thấy được vòng lặp này, hiểu được tiền căn – hậu quả của từng cảm thọ trong ván cờ, con người ta cũng sẽ học được cách giải quyết vấn đề, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

hình ảnh bài viết Từ Tích Phật "Ngón tay chỉ Trăng" qua sách của sư ông làng Mai
ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Unsplash

Hắn cố gắng phần nào áp dụng Phật đạo vào công việc của hắn: hướng dẫn cờ vua cho trẻ con. Hắn tin rằng cờ vua – cũng có thể giúp con người trở nên tốt hơn.

Khi hắn mới làm nghề, hắn từng biết những chuyện về các huấn luyện viên có – cấm học viên – những đứa trẻ mà họ hướng dẫn tiếp xúc với những đứa trẻ chơi cờ khác. Lý do vì họ muốn những “bí mật nước đi” phải được giữ kín.

Hắn thấy vậy là quá cực đoan. Mục tiêu của hắn khi hướng dẫn – không phải là để các bạn nhỏ chiến thắng trong mỗi ván cờ, không phải đạt được danh hiệu. Khi để thua ván cờ, có những cảm thọ khó chịu – không vui – hắn mong các bạn nhỏ có thể tự phân tích lại, quán chiếu lại, xem kết quả không tốt là do đâu, “hậu quả” thua cuộc là do những nước cờ “nguyên nhân” nào không tốt. Có lẽ sẽ mất nhiều thời gian thực hành, nhưng hắn tin là khi thấm được điều này, về sau, các bạn nhỏ sẽ xoay sở tốt hơn với những bộn bề cuộc sống.

Lại có những huấn luyện viên chú trọng vào việc học luyện khai cuộc ván cờ cho trẻ nhỏ ngay từ đầu. Hắn thấy vậy không ổn và cố làm ngược lại: hướng dẫn từ tổng thể và trì hoãn việc hướng dẫn khai cuộc lâu nhất có thể.

Tại sao lại vậy? Vì tuổi nhỏ học theo kiểu “chụp lại – mô phỏng”. Hắn tin rằng thực hành như vậy, là đang đẩy đứa trẻ theo ngón tay của người thầy mà quên đi mặt trăng, về sau bạn nhỏ sẽ chỉ đi theo một lối mòn khai cuộc mà quên đi cách suy nghĩ để thật sự giải quyết vấn đề.

Khi chưa thấy trăng thì nhìn theo hướng tay chỉ trăng. Khi đã thấy trăng rồi, hãy tự nương tựa vào chính mình, tự đốt đuốc mà đi. Hắn mong muốn từ việc nắm vững nền tảng, các bạn hắn từng có duyên may hướng dẫn sẽ tự tìm được con đường – hướng chơi cờ phù hợp cho mình. Hắn mong muốn từ việc giải quyết ván cờ, bạn nhỏ cũng sẽ tìm được cách quán chiếu, xoay sở với vấn đề, với nghịch cảnh cuộc sống nếu có trong tương lai.

Đó là kỳ đạo của hắn.

Truyền thừa

Năm trước, lúc ba hắn mất trong cơn bệnh cuối cùng, hắn đã cảm thấy rất đau và thương tiếc. 2 cha con còn những dự định nhưng đã không thể thực hiện được. Mọi sự cứ ngổn ngang, không lo việc này thì việc khác, nên thời gian gặp ba thật ít, gặp mặt ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Hôm nay, sáng ra, vừa ngủ dậy, hắn lại nghe tin thầy Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Nhưng hắn cảm thấy sự ra đi của thầy không quy luỵ mà rất đỗi trọn vẹn, nhẹ nhàng. Tiếc thương là dành cho chúng hắn – những người ở lại trong cõi ta bà, thời mạt pháp.

hình ảnh bài viết Từ Tích Phật "Ngón tay chỉ Trăng" qua sách của sư ông làng Mai
Tranh minh họa: “Về nhà”. Tác giả tranh: Artist Nhỏ Jung

Thời mạt pháp hiện giờ, mọi thứ quá nhiễu nhương. Hai ba hôm lại nghe thấy những câu chuyện đau lòng. Thời này cần những vị thầy như thầy, để nhân thế có thể được tiếp thêm niềm tin.

Nhưng hắn biết, tư tưởng của thầy, y bát của thầy, niềm tin thầy truyền lại vẫn sẽ được những vị thầy khác tiếp nối.

Những ảnh hưởng của thầy qua những trang sách phần nào đã thấm vào hắn, và những người bình thường khác ở nhân thế.

…như ngón tay chỉ trăng.

23/01/2022

5 7 votes
Tặng sao khích lệ:
Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Tuấn Long

Tuấn Long

Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng Blog cờ vua sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.

bài viết có liên quan

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
4 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Thảo Vân
Thảo Vân
2 years ago

Em cũng ngưỡng mộ Phật, sư ông làng Mai, và yêu thích cờ vua.Cảm ơn anh đã viết bài này!

Cát Tường
Cát Tường
1 year ago

“Về nhà”.

4
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x