Đây là phần 6 trong loạt bài viết Tôi và cờ vua
Mình có anh bạn, tên N, hồi nhỏ từng học cờ chung ở một clb. 2 HLV khác nhau, nhưng có dịp là 2 bên tụ lại đánh cờ. Ấn tượng của mình là hồi đó tay này đánh chắc chắn lắm, chuyên sử dụng khai cuộc Ruy-Lopez – với nước lui đẩy chốt c2-c3 ở thời điểm không thể hợp lý hơn, rồi chuẩn bị cho kế hoạch kinh điển: lui Tượng về b3, c2… Có những biến động, không thể tiếp tục cùng lên lớp chơi cờ, N gửi tặng mình một quyển tập sưu tầm những bài phân tích ngắn về cờ vua mà GM Đào Thiên Hải đăng trên báo tuổi trẻ hồi trước.
Mới đó mà cũng 15 năm rồi. Một hôm tình cờ gặp lại ở quán cafe, sau những phút ngỡ ngàng, 2 thằng trai-đã-không-còn-trẻ cũng lôi bàn cờ, chỉnh đồng hồ 5 phút như ngày đó, vừa đánh vừa ôn lại kỷ niệm, kể chuyện cuộc sống.
N giờ là một gã với vẻ phong trần dày dặn, lang bạt kỳ hồ, và dường như cũng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống hơn mình. Trong làn khói thuốc, cậu ta kể về những trải nghiệm ở những trận cờ tranh chấp huy chương ở các giải đấu lớn. Mình nhớ nhất là ý này:
Mình cũng đồng cảm sâu sắc về việc này. Thiết nghĩ đây cũng là áp lực mà tất cả mọi kỳ thủ đều phải trải qua, nếu muốn đi theo con đường chuyên nghiệp.
Còn ở cấp độ phong trào thì sao?
Trong công việc hướng dẫn cờ vua, không ít lần mình làm trọng tài hoặc tổ chức giải đấu cho các kỳ thủ trẻ. Sau mỗi trận, dĩ nhiên câu hỏi các bạn nhỏ thường nghe nhất từ phụ huynh là “thắng hay thua”. Đó là cách trực quan nhất để phụ huynh có thể nắm bắt kết quả ván đấu, về mặt logic. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, sẽ là một thiếu xót lớn về mặt cảm xúc.
Theo mình thấy, khi phụ huynh cho con trẻ tham gia các giải đấu phong trào, mục tiêu ban đầu là để con vui, có sân chơi, hoặc là để luyện tập – cọ xát – đối với những bạn năng khiếu.
Không nhiều phụ huynh đặt cho con mục tiêu phải thắng, nhưng câu hỏi “con có thắng không” lại vẫn cứ diễn ra sau mỗi vòng đấu. Trong các ván đấu phong trào, việc thắng và thua thường là do sai lầm (blunders). Mà sai lầm thì cũng có nhiều dạng…
Sai lầm do thế cờ khó, dễ phạm sai lầm
Đây là một hình cờ khác – mình chụp được trong giải thi đấu hôm ấy. Ván cờ diễn ra cực kỳ sôi động. Trắng mở đợt tấn công trước, nhưng rồi Đen bình tĩnh phòng thủ và bất ngờ tìm được cách phản kích, buộc Trắng phải leo Vua lên hàng 3, và chịu đựng áp lực khủng khiếp.
Thậm chí là những kỳ thủ lão luyện cũng dễ dàng phạm sai lầm trong những tình huống căng thẳng thế này.
Sai lầm do thể lực, sức bền không đảm bảo
Một đặc điểm của giải phong trào – là giải đấu thường diễn ra với thể thức “cờ nhanh” (mỗi bên khoảng 15, 20 phút – có thể cộng ít thời gian sau mỗi nước đi), và do chi phí thuê địa điểm, giải đấu thường chỉ diễn ra trong một ngày – từ sáng đến chiều. Các kỳ thủ thường không luyện tập trước cho điều kiện thi đấu như vậy nên sai sót diễn ra là việc bình thường.
Dễ thấy là, nếu không thắng được thì Trắng cũng không thể nào thua được, phải không? Vậy mà…
Một kết quả thực sự đáng tiếc.. Đó là ván đấu thứ 8, diễn ra vào khoảng 4h30 chiều. Giải đấu bắt đầu từ 8h sáng… Vậy đó, thể lực giảm sút, trông gà hóa cuốc là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Sẽ thật vô lý nếu chúng ta chỉ nhìn vào kết quả mà chê trách sai lầm của Trắng.
Sai lầm do phạm phải lỗi kỹ thuật
Bạn nghĩ rằng lỗi kỹ thuật chỉ diễn ra với amateur? Nó thậm chí có thể xảy ra – một cách bi hài – với cả những kỳ thủ tốp đầu thế giới.
Dù là vô tình, Caruana vẫn phải trả giá cho sai lầm – lỡ chạm đồng hồ khi chưa hoàn tất nước đi của mình. Quá đau lòng, hen?
- Đọc thêm về các sai lầm từ trên trời rơi xuống: Bỏ cuộc
- 1. Đừng quá quan trọng chuyện thắng thua. Ai cũng có thể phạm sai lầm, và mọi sai lầm cần được tôn trọng. Đây là một ván cờ thôi, không phải chiến tranh thế giới, phải không?
- 2. Sau ván đấu, đừng chỉ hỏi trẻ là thắng hay thua. Vì cờ vua, ngoài việc thắng – thua còn là những trải nghiệm. Đừng chỉ chú ý đến thắng thua mà bỏ qua việc tận hưởng ván cờ, tận hưởng những trải nghiệm mà cờ vua mang lại: sự tập trung, hồi hộp đến tột cùng khi phải chống đỡ những đợt tấn công của đối thủ; sự phấn khích đến tận mây xanh khi thực hiện được một đòn chiến thuật liều mạng…
- 3. Hãy hỏi kỳ thủ về những trải nghiệm sau ván đấu. Ví dụ như: Con thi đấu có vui không? Có rút được kinh nghiệm gì không? Có chỗ nào trong ván cờ mà con thấy mình lấn lướt, có thể thắng được không?
Mình xin dừng kết thúc bài viết bằng một tình huống sai lầm khó đỡ nữa, của 2 kỳ thủ đẳng cấp thế giới.
Đây là ván cờ của Anand và Grischuk, giải đấu Your Next Move 2018. Lượt trắng đi. Như thường lệ, bạn hãy bật nút để có thể đi quân. Bạn sẽ đóng vai Anand để xử lý thế cờ nhé! 😉
Sao rồi? Hẳn là bạn đã tìm ra con đường hòa cờ đơn giản cho Trắng, có phải không. Vậy mà Anand lại đi một nước đi sai lầm có thể dẫn đến thua cuộc ngay tắp lự. Ngạc nhiên hơn nữa là Grischuk – nói sao nhỉ – lại sút bóng ra ngoài khi đã đứng cạnh vạch vôi khung thành… 😀
Có cách nào để đánh nhanh thắng nhanh không vậy ad? Tại mình chơi nhiều như xứ thua mãi thôi😩
Hic, nếu bạn hỏi nghiêm túc thì…
không có cách thắng nhanh đâu.
Theo quan điểm của mình thì khi đánh, kỳ thủ mới thường thua do tự phạm sai lầm. Vậy nên cách để tiến bộ sẽ là ghi lại các ván đấu, sửa sai lầm từ từ.
Bắt đầu là sai lầm đút quân, bỏ quân.
Rồi đến các kiểu sai lầm như là không tính toán nước đi của đối thủ, không tính đến cách phản hồi nước đi của đối thủ, thế biến nhánh…
Rồi sau nữa là các kiểu sai lầm về vị trí quân, thế trận…
Tóm lại là muốn nhanh thì phải… từ từ thôi bạn ơi.
😄
Tớ cố cứ hai tuần học 1 kiểu khai cuộc và chơi rồi cố xử lí các tình huống cho linh hoạt. Nhưng đúng là cứ phải thong thả. Nên nâng lên thành 2 tháng 🤭
Sorry Linh, mình reply trễ. Tình hình chỗ bạn thế nào?
Đúng rồi nè. Khai cuộc thì phải học từ từ, hiểu ý tưởng, kế hoạch điển hình… Đừng chỉ học biến, nước đi.