4 phút để đọc

Biên bản ván cờ và cách ghi chép nước đi

Đây là phần 6 trong loạt bài viết Bắt đầu từ chưa biết gì

 A  Giới thiệu về biên bản ván cờ

Biên bản ván cờ là một bản ghi các nước đi của 2 kỳ thủ trong một ván đấu. Nhờ có biên bản ván cờ, ta có thể dễ dàng lưu giữ và xem lại các ván cờ của mình. Việc này có rất nhiều ý nghĩa trong việc học tập cờ vua. Vì, biết sai sót ở đâu trong ván cờ ta có thể chỉnh sửa, rút kinh nghiệm để dần trở nên tốt hơn ở những ván cờ kế tiếp.

Nếu như bạn để ý, trang web này cũng xây dựng các bài học từ các thế cờ, các biên bản ván đấu của những người đi trước.

  Cách ghi chép biên bản ván cờ

Về cơ bản, kỳ thủ ghi chép nước đi như sau:

ký hiệu viết tắt của quân cờ (viết chữ in) + ô nó di chuyển đến (viết chữ thường).

Như vậy, với tiếng Việt, tên viết tắt các quân cờ lần lượt sẽ là: V (Vua), H (Hậu), X (Xe), M (Mã), T (Tượng).

– Nước bắt quân được thể hiện bằng ký tự “x” chen giữa. Ví dụ: Mxc4
– Không ghi tên viết tắt của chốt. Nước đi chốt được biểu đạt bằng tên ô mà nó đi tới. Ví dụ: d4 nghĩa là chốt đi đến ô d4. Nước chốt bắt chốt được thể hiện bằng tên cột nó đang đứng + “x” + ô nó bắt quân. Ví dụ: dxc4 nghĩa là chốt cột d bắt quân ở c4.
– Nước nhập thành, ta ghi là 0-0 và nhập thành xa là 0-0-0.
– Nước chiếu được thể hiện bằng dấu “+” ghi ở cuối nước đi. Vd: Xd1+
– Nước chiếu bí thể hiện bằng dấu “#”, cũng ghi ở cuối nước đi. Vd: Mf7#
– Sau khi đấu xong ván cờ, ghi kết quả bằng các điểm số: 1 – 0 (Trắng thắng); 1/2 – 1/2 (hòa); 0 – 1 (Đen thắng).

Sau đây là một biên bản ván đấu được thể hiện bằng ký hiệu tiếng Việt:

  Lời khuyên cho các kỳ thủ khi ghi biên bản

1. Khi ghi biên bản, hẳn nhiên là bạn phải ghi cho cả bên Trắng và bên Đen. Có nhiều kỳ thủ chỉ ghi lại những nước đi của mình, để rồi cuối cùng không thể xem lại ván cờ, vì… thiếu đi phần nước đi của đối thủ.

2. Thực tế khi thi đấu, chúng ta thường bị cuốn theo diễn biến ván cờ mà quên ghi lại một nước đi nào đó. Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn khi ta muốn xem lại. Vậy phải làm sao?

Kỳ thủ nên tập thói quen: chia từng nước đi của ván cờ thành 2 giai đoạn:
– Sau khi đối thủ vừa đi xong.
– Trước khi ta thực hiện nước đi của mình.

Sau khi đối thủ vừa đi xong, ta lập tức ghi lại nước đi. Thậm chí là không cần phải suy nghĩ. Ghi lại nước đi trước, rồi hãy bắt đầu suy nghĩ xem đối thủ đang có dự định gì.

Trước khi đi quân, hãy ghi ra biên bản nước đi dự kiến. Thậm chí ở những trận đấu có đặt đồng hồ, thói quen như này cũng rất tốt: vừa tránh quên ghi lại, vừa giúp ta có thêm cơ hội để cân nhắc về nước đi của mình. Nếu thấy nước đi dự kiến có vẻ gì đó không ổn, đừng ngại bôi xóa. Tờ biên bản có thể bị xấu, nhưng nước đi của bạn sẽ càng được chỉn chu. Bạn biết không, tờ biên bản mà Bobby Fishcher ghi lại ván cờ của mình với Donald Byrne – ván đấu được mệnh danh là ván cờ của thế kỷ 20 – cũng đầy vết tẩy xóa, sửa đổi. Đổi lại, ông đã tạo nên một tuyệt tác, liên tục nhận được những lời tán thưởng mỗi khi người đời xem lại ván cờ.

hình ảnh: biên bản ván cờ thế kỷ của Bobby Fischer.
biên bản ván cờ thế kỷ của Bobby Fischer. Bạn thấy đấy – đầy vết tẩy xóa.

3. Nếu có thể, hãy cùng đối thủ xem lại biên bản ván cờ sau khi trận đấu kết thúc

Xem lại ván đấu cùng với đối thủ là một cách rất hay để bạn tiến bộ – nâng cao tâm lý thi đấu và hiểu thêm về những diễn biến đã xảy ra trên ván cờ. Thay vì một mình phân tích, tự hỏi tại sao đối thủ đã thực hiện nước đi này, nước đi kia, chi bằng ta trực tiếp hỏi đối thủ? Rất có thể, đối thủ của bạn cũng sẽ chỉ ra những thời điểm mà bạn có thể có nước đi tốt hơn nước đi đã ghi biên bản lại nữa đấy!

4.7 13 votes
Tặng sao khích lệ:

Cùng loạt bài viết Bắt đầu từ chưa biết gì  

<< Nhập thành

Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Picture of Tuấn Long

Tuấn Long

Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng Blog cờ vua sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x