Mình từng nhận được rất nhiều câu hỏi dạng như thế này: “Tôi 30 tuổi, chỉ biết đi quân cơ bản. Có phải tôi đã quá tuổi học chơi cờ rồi không?”
Kỳ thủ giỏi thường chơi cờ từ rất sớm
Có một sự thật là… đội ngũ các kiện tướng thế giới ngày càng được trẻ hóa. Khi Bobby Fishcer trở thành Grandmaster vào lúc 15 tuổi 6 tháng, nhiều người nghĩ rằng kỷ lục này sẽ tồn tại mãi mãi. Vậy mà, giờ đây, chúng ta đã có it nhất là 27 kỳ thủ đạt đẳng cấp trước khi bước qua sinh nhật thứ 15!
Jose Raul Capablanca đã học cờ vua từ khi 4 tuổi. Bên dưới là ván đấu ghi biên bản đầu tiên của ông vào lúc 5 tuổi – đối đầu với nhà vô địch ở Cuba ở thời điểm bấy giờ. Capablanca được chấp Hậu. Khi ván cờ kết thúc, nhà vô địch thế giới (trong tương lai) vẫn giữ toàn vẹn ưu thế này. Mình tò mò, hông biết là – nếu như không có vụ chấp cờ, kết quả ván đấu cuối cùng sẽ ra sao.
Trong hơn 100 năm, Capablanca là kỳ thủ có sức cờ tốt nhất ở giai đoạn 4 tuổi. Kỷ lục đó không còn tồn tại nữa. Hãy xem một đoạn video từ truyền hình Nga sau đây – về một kỳ thủ nhi đồng. Misha Osipov chỉ vừa được 3 tuổi – 10 tháng, nhưng sức cờ của cậu bé vô cùng ấn tượng.
Nếu bạn không biết tiếng Nga, hãy tua nhanh đến phút 4:30. Mặc cho các câu hỏi gây mất tập trung từ MC và Anatoly Karpov, chú nhóc vẫn có thể đi những nước đi rất hợp lý, và không phạm phải sai lầm nghiêm trọng nào. Chú nhóc thậm chí còn từ chối lời đề nghị hòa cờ vô cùng lịch thiệp từ ngài Karpov, để rồi sau đó chịu thua vì hết thời gian. Cuối cùng Misha òa khóc. Đừng cảm thấy tội nghiệp cho cậu bé, vì Misha sẽ có một tương lai rất rực rỡ với cờ vua. Hãy tội nghiệp cho các đối thủ của cậu nhóc thì hơn!
Không có nghĩa là bắt đầu muộn thì không thể giỏi cờ
Ở một chiều ngược lại, chúng ta có Mikhail Botvinnik, học cờ lúc đã 12 tuổi. Ở tuổi này, kỳ thủ Sergey Karjakin – gần như đã trở thành Grandmaster.
Sau đây là 2 thế cờ từ các ván đấu của Mikhail Botvinnik. Bạn hãy thử tìm chuỗi nước đi tốt nhất xem nhé. Sẽ càng tốt nếu bạn nhận ra điểm chung trong 2 tình huống (dĩ nhiên là, ngoài việc chúng đều là ván cờ của Botvinnik).
Điểm chung của 2 tình huống này là Botvinnik đều bỏ lỡ cơ hội ra đòn chiến thuật. Ở tình huống 1, ông đơn giản nhận lời đề nghị hòa từ Symslov. Còn ở tình huống 2, Botvinnik đi một nước đi bình thường khác, và giành chiến thắng sau đó sau 28 nước (thay vì chỉ vài nước là xong nếu đánh ra được đòn phối hợp như lời giải). Bạn hãy xem thử ván đấu đầy đủ để so sánh sự khác biệt giữa 2 nước đi nhé.
Trong quyển sách tuyển tập những ván cờ hay của Botvinnik, ông đưa ra những giải thích cho sự lựa chọn nước đi không chính xác của mình, với đại ý là: “bệnh tuổi già, tầm nhìn chiến thuật cùn mòn đi, hay bị đau đầu khi phải tính đòn.” Tần suất của cụm từ “bệnh già” lặp đi lặp lại khá nhiều lần. Thậm chí, Botvinnik còn cho rằng chuyện này là đương nhiên với những người bắt đầu chơi cờ trễ.
Nói thật với bạn, mình khá là nghi ngờ về cái vụ “bệnh già” mà Botvinnik đề cập. Thứ nhất là, hầu như không thể để một kỳ thủ với khả năng chiến thuật yếu kém – nhiều lần trở thành nhà vô địch thế giới. (Vâng, nếu bạn không biết thì Mikhail Botvinnik đã từng là nhà vô địch thế giới trong nhiều năm trước khi bị Mikhail Tal hạ bệ. Nhưng rồi ông đã giành lại ngai vị của mình vào năm sau đó. Đó là một câu chuyện dài. Mình sẽ kể vào khi khác nhé.) Bên cạnh đó, những đòn chiến thuật mà Botvinnik bỏ lỡ thật không phải dễ dàng gì để nhìn ra (vậy nên nếu bạn có thể giải mà không cần xem đáp án – xin chúc mừng, sức cờ của bạn đã rất mạnh – trong một vài thời điểm của ván đấu còn vượt trội hơn cả nhà vô địch thế giới luôn rồi đó!)
Mình nghĩ là Botvinnik đã quá nghiêm khắc với bản thân. Hãy xem ví dụ kế tiếp, và bạn thử chơi như Botvinnik xem sao:
Bạn thấy đấy! Botvinnik đâu hề yếu chiến thuật như ông thừa nhận, có phải không?
Những khó khăn khi bạn bắt đầu muộn
Độ tuổi trễ nhất mà mình từng thấy một ai đó học cờ – để rồi vươn đến đẳng cấp grandmaster là tuổi 14. Đó là khi Alexey Vyzhmanavin, khởi đầu bằng chương trình học cờ tại cung điện Pioneer ở Moscow. Cậu ấy là một tay cờ rất táo bạo – chẳng bao giờ than phiền về khả năng chiến thuật của mình. Có thể bạn sẽ cảm nhận được điều gì đó qua ván cờ minh họa ở dưới đây:
Nhìn chung, mình chẳng thấy có một mối tương quan trực tiếp nào về độ tuổi bắt đầu chơi cờ với khả năng chiến thuật cả. Tuy nhiên, thực tế chưa có ai bắt đầu chơi cờ ở tuổi 15 hoặc hơn – và trở thành grandmaster cũng lại có ý nghĩa riêng của nó. Mình nhận định rằng vấn đề khi chúng ta bắt đầu chơi cờ muộn cũng tương tự như khi học ngôn ngữ mới.
Mình nghiệm ra một quy luật rằng – những ai học một ngôn ngữ mới khi đã 15 tuổi trở đi thường khó có thể phát âm chuẩn. Dù luyện tập thế nào, ngôn ngữ mà người đó đang học cũng không thể trở nên tự nhiên như ngôn ngữ mẹ đẻ. Mình từng gặp những người đã sống ở nước ngoài hơn 40 năm – nói chuyện với ngữ pháp còn chính xác hơn cả người bản địa, nhưng phần nhấn nhá khi phát âm lại không được như ý.
Mình đồ rằng điều tương tự cũng diễn ra với cờ vua khi bạn bắt đầu trễ. Đơn giản là, nó sẽ khó có thể trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ được nữa. Khá là chắc – bạn có thể học được quá trời khai cuộc, luyện tập chiến thuật và chiến lược hàng ngày, nhưng “phát chiêu” vẫn nặng nề, không tự nhiên. Điều này có thể thấy được – đôi khi bạn sẽ tự nhiên mắc phải một sai lầm thua cuộc nào đó mà những kỳ thủ khác với cùng thang bậc sức mạnh sẽ không gặp phải.
Hoặc thi thoảng, bạn sẽ khó có thể mường tượng ra thế cờ một cách rõ ràng sau 3 nước để liên kết với thế biến mà bạn đang tính toán, rồi lại phải tính lại từ đầu mà vẫn gặp phải vướng mắc ở một chỗ nào đó… Mình không thể giải thích rõ ràng căn nguyên của hiện tượng lạ lùng này. Nó vẫn thường xuyên bị lướt qua.
Rồi, trở lại chủ đề mà chúng ta đang nói.
Có quá trễ không, để bắt đầu học cờ khi đã 30 tuổi hoặc hơn?
Theo mình thì nó còn tùy.
Nếu mục tiêu của bạn là trở thành nhà vô địch thế giới thì hãy quên đi! Nếu bạn muốn trở thành grandmaster – cũng có vẻ bất khả thi nhưng ai biết được chứ, bạn có thể trở thành người đầu tiên luôn! Nếu bạn nhắm đến tước vị kiện tướng: khó nhưng chắc chắn là có thể! Sau tất cả, Oscar Shapio đã trở thành người cao tuổi nhất ở thời điểm đạt được tước hiệu kiện tướng của liên đoàn cờ vua Mỹ khi ông đã 74 tuổi! Thật đáng ngưỡng mộ!
Và cuôi cùng, nếu mục tiêu của bạn chỉ là bước vào thế giới cờ vua huyền ảo, thưởng thức những khoảnh khắc của trò chơi – những giây phút mà bạn tự cảm thấy mình đầy sáng tạo nhưng cũng vô cùng hợp lý trong mỗi quyết định nước đi… Hãy dẹp vụ tuổi tác qua một bên. Bắt tay vào luyện tập ngay thôi!
Chú thích: Trong bài viết gốc, độ tuổi được kiện GM Gserper đề cập là 25. Có lẽ ý của tác giả: đó là mốc thích hợp để nói về một người trưởng thành.
Nhưng theo mình thì, ngay cả khi đã 35 hoặc hơn, các anh chị phụ huynh vẫn có thể bắt đầu chơi cờ. Nếu mục tiêu của anh chị là để có thể cùng chơi với con trẻ, giúp chúng có một người bạn tin cậy để đồng hành và khám phá cuộc sống thông qua cờ vua, vậy thì anh chị có thể bắt đầu học cờ ở BẤT KỲ ĐỘ TUỔI NÀO!
vậy tôi 16 tuổi, muốn thành kiệt tướng thì có khó quá không
cứ thử bắt đầu thôi bạn ơi!