Qua form liên hệ, mình đã nhận được một câu hỏi rất thú vị của một phụ huynh, về việc phải làm sao để có thể xây dựng và giữ được đam mê chơi cờ cho hai con nhỏ: một bé gái 6 tuổi và một bé gái 9 tuổi. Đây là một câu hỏi rất thú vị, vậy nên mình viết hẳn một bài để bàn về việc này, rất mong nhận đượ đóng góp của các ba/mẹ.
Mình nghĩ, trước tiên ta nên lần ngược lại và tự trả lời câu hỏi: “Tại sao ta – một người lớn – lại thích thú – đam mê chơi cờ vua”, và rồi, sau khi giải mã xong, ta mới có thể hướng dẫn, vun đắp cho các bạn nhỏ.
Mục lục
A. Điều gì ở cờ vua khiến kỳ thủ thích thú, đam mê?
Với cá nhân mình, cờ vua trước tiên là một trò chơi mà tự bản thân nó đã rất thu hút, là vì:
1. Trên bàn cờ, nước đi thể hiện suy nghĩ của chính kỳ thủ
Tự do. Mình tự do chọn lựa phương án, cách đi quân, cách tiếp cận với nước đi của đối thủ. Không ai có quyền bắt buộc mình phải đi Tượng, khi mình có ý định đi Xe.
Với mình, sự tự do ấy rất đáng trân trọng vì trong cuộc sống ngoài đời thật, chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Với trẻ nhỏ, sự ảnh hưởng đó là những hình ảnh rất quen thuộc, ví như bị bắt phải học bài trong khi trẻ đang muốn xem ti vi hay đọc truyện; phải ăn cơm ở nhà trong khi thích món gà rán và khoai tây hơn. Dĩ nhiên là mọi sự đều có lý, ba mẹ luôn muốn sự tốt nhất cho con mình nhưng nhìn chung, trẻ sẽ thường có cảm giác bị áp đặt.
2. Quyền được phạm sai lầm
Cùng lắm thì thua, thua trong một trò chơi, thua khi đã cố gắng triển khai một ý tưởng sáng tạo nào đó. Thua, nhưng là kinh nghiệm để tốt hơn trong những ván cờ sau.
Trong giai đoạn mới tập chơi, yếu tố này là một sự khích lệ cần thiết. Khi phát triển thành một kỳ thủ chuyên nghiệp, mỗi ván đấu của bạn – dù là giao hữu – cũng không còn được thoải mái như vậy nữa. Lúc đó, câu chuyện đã trở thành “chiến đấu vì tên tuổi, vì thương hiệu”. Vì lẽ này, ta thấy có nhiều trận thi đấu đỉnh cao giữa các tay cờ lại diễn ra… vô cùng chán, với thế trận bình ổn từ đầu đến cuối.
Với trẻ nhỏ thì quyền được phạm sai lầm như một sự giải tỏa, vì trong cuộc sống bình thường các em cũng không thường xuyên “được” phạm lỗi. Ở nhà thì phải làm con ngoan, đến trường thì phải là “trò giỏi”…
3. Tính bất ngờ
Trong cuộc đời chơi cờ của mình, rất hiếm khi mình có thể lặp lại một ván cờ của quá khứ. Họa chăng chỉ là những cái bẫy khai cuộc quen thuộc mà đấu thủ tự dưng nạp mạng.
Mỗi ván cờ đều như một thế giới mới. Sau khi đã vượt qua giai đoạn khai cuộc, cuộc chiến trở nên thật sự hấp dẫn – mỗi nước đi đều mở cánh cửa đến một vùng đất mới… Điều này trái ngược hẳn với việc học đàn: khi ta tập đàn một bài nhạc, dù có thành thục thì sau cùng bài nhạc đó vẫn là những tổ hợp giai điệu mà ta đã biết trước…
4. Tính đối kháng, tính thử thách
Ta không thể tự chơi một ván cờ. Phải có ai đó cùng mình thi thố. Và dù thua hay thắng thì sau đó ta sẽ muốn… thắng tiếp. Cảm giác muốn thắng, và sự tự tin rằng “mình làm được”; “mình có thể thắng” là động lực để thúc đẩy. Trong cuộc sống, chẳng phải là chúng ta cũng sẽ chán, sẽ bỏ cuộc nếu không còn cảm giác muốn thắng, đánh mất sự tin tưởng đấy sao?
5. Sự chia sẻ
Khi còn nhỏ, thế giới của mình nhỏ lắm. Vì vậy, còn gì bằng khi những người thân thuộc nhất cùng chia sẻ sở thích, cùng phát triển? Và quả thực, trong những ngày niên thiếu, mình đã có em trai, một người thầy hướng dẫn đáng mến và những người bạn, những anh em đồng học cùng theo đuổi niềm vui trên bàn cờ.
Với các phụ huynh, có thể vì động cơ muốn trẻ phát triển trí não, cải thiện sự tập trung… Nhưng theo mình thì có lẽ trẻ chẳng quan tâm gì mấy.
Trẻ nhỏ có xu hướng ngưỡng mộ và bắt chước ba mẹ. Vậy nên nếu ba mẹ có thể sử dụng thế giới quan của trẻ để kể cho trẻ nghe tại sao cờ vua thu hút với ba mẹ đến vậy, trẻ sẽ dần hiểu được và tiếp nhận quan điểm một cách tích cực. Mưa dầm thấm lâu.
B. Làm sao để bồi dưỡng niềm đam mê?
Theo quan điểm của mình, có một công thức có thể sử dụng được, đó là:
1. Một ít thành công
2. Niềm vui
Thử nghĩ xem, đánh thắng để làm gì nếu không còn cảm nhận được niềm vui? Niềm vui của trẻ thì lại rất dễ bị dập tắt.
Đây là câu chuyện của mình.
3. Sự chia sẻ
Tóm lại thế này:
1. Phụ huynh hãy giải thích cho bé hiểu: tại sao cờ vua hấp dẫn bằng thế giới quan của một người chơi cờ, một đứa trẻ. Đừng bàn tới những kỳ vọng mà cờ vua sẽ mang lại, ví dụ như tập trung hơn, thông minh hơn… Đằng nào trẻ cũng không quan tâm, và còn có thể thấy nặng nề hơn.
2. Giữ đam mê theo công thức: Một chút thành công + Niềm vui + Sự chia sẻ. Đừng quá tập trung đến kiến thức, sức cờ… vì đó suy cho cùng chỉ là một yếu tố để trẻ có được “Một chút thành công”. Ba mẹ nên chú ý nhiều hơn đến Niềm vui và sự chia sẻ.
Chào bạn, cảm ơn vì đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực, điều này rất cần thiết vì ngày nay có rất nhiều trò game lôi cuốn trẻ nhỏ vào những thế giới ảo nơi mà những thành công đến một cách dễ dàng do đó sẽ ngăn cản sự phát triển tư duy của trẻ….
Chào anh, Đúng rồi ạ. Sở dĩ game online thu hút người chơi là do nó dễ dàng để bắt đầu và mang lại cảm giác “có thể thành công”. Nếu mình có thể áp dụng đặc điểm này vào cờ vua, thì sẽ rất hiệu quả.
chào bạn, cám ơn bài viết rất có tâm của bạn. Mình dự định mở 1 lớp dạy cờ cho trẻ em ng dân tộc thiểu số vùng sâu nên vô tình đọc được bài viết của bạn. Mình tìm hiểu không phải tâm thế phụ huynh mà là tâm thế mong muốn đem lại cho trẻ em 1 trò chơi trí tuệ. Mình rất lo là sợ trẻ nhỏ sẽ không hứng thú với môn này. Mình hi vọng bạn có thể chia sẻ những câu chuyện bạn từng tiếp xúc với trẻ em và khiến chúng yên mến môn này. Rất mong được nghe thêm từ bạn 😀
Chào bạn, rất cảm ơn phản hồi và tâm huyết của bạn. Hi vọng là dự định mở lớp của bạn sẽ được thực hiện.
Thầy cô vui vẻ hạnh phúc, tỏa ra năng lượng tích cực thì các bạn nhỏ sẽ hưởng ứng sự tích cực đó. Cơ bản là cờ vua đã là một trò chơi có sức cuốn hút. Mỗi người có mỗi cách, nên mình cũng không biết cách của mình có hợp với bạn không. Bạn cứ vừa dạy, vừa thử nghiệm, đừng lo quá. Có một điều là tiếp cận nhẹ nhàng từ từ. Trò chơi mà. Đã chơi là phải vui. Khi trẻ chán trong buổi hôm đó là dừng lại ngay, đừng thúc ép, và ta sẽ bắt đầu lại vào một ngày khác.