Đây là phần 1 trong loạt bài viết Tôi và cờ vua
Cờ Vua là không phải “môn học” thần thánh
Đó là quan điểm của người lớn.
Mọi trung tâm dạy cờ vua đều nói như vậy.
Trong tờ rơi, brochure, hay chương trình quảng cáo của họ, bạn sẽ thấy nội dung này được lặp đi lặp lại, thậm chí chính xác đến từng câu chữ.
Buồn cười là những người đăng tải nội dung như vậy lại chẳng hề tư duy sáng tạo (copy/paste?) hay logic chút nào (biết đạo văn là sai mà họ vẫn làm).
Thay vì góp lời vào quan điểm này, tôi sẽ kể lại trải nghiệm của mình – câu chuyện một đứa nhóc bắt đầu học chơi cờ vua.
Đối với tôi, trước hết, cờ vua đơn thuần là một trò chơi.
Lúc ấy, tôi tầm 10 tuổi. Nhà tôi có 3 anh em, 2 trai, 1 gái. Cha tôi làm nghề khuân vác ngoài chợ để nuôi sống gia đình. Công việc vất vả và bận rộn lắm. Ông phải ra khỏi nhà lúc 4 giờ sáng để dọn chợ. Bình thường, khi chúng tôi đi học, ông đi làm đến trưa xong việc mới về. Đến mùa hè, để chúng tôi không phải buồn vì mãi ở không ở nhà, vào khoảng 8 giờ sáng mỗi ngày, ông thu xếp về nhà để 2 thằng con trai sang nhà sách Minh Khai và thả ở đấy, đến tầm 1 giờ rưỡi trưa, khi dọn chợ xong cha lại ghé chở về nhà. Nhỏ em gái đeo theo mẹ thì thôi rồi, không cần phải tính tới.
Chúng tôi mê nhà sách lắm. Đủ thứ truyện để coi cọp mà. Tôi nhớ trong mùa hè ấy đã đọc xong vài quyển Charlie Bone, và đủ thứ truyện tranh nữa. Coi sách mãi cũng chán, có hôm chúng tôi lại lên lầu 1 của nhà sách để xem văn phòng phẩm, đồ chơi…
Trong tất cả các món đồ chơi trong nhà sách, chúng tôi nhắm có một món có thể để dành mà mua được: một bộ cờ vua giá chỉ có 3000đ, hay 3500đ gì đấy. Nó thậm chí còn rẻ hơn cả bộ domino Song Mã nữa. Lúc ấy chúng tôi có biết cờ vua là gì. Thấy nó rẻ, mua được thì mua thôi. Hồi ấy, chúng tôi được cha mẹ cho mỗi ngày 500đ. 2 anh em để dành được bốn hôm là đủ tiền mua. À, nói thêm là trong ngân sách của 2 anh em, chúng tôi cũng có thể để dành để mua một bộ cờ tướng. Nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng dẹp bỏ ý nghĩ đó, vì chúng tôi sẽ không nhớ nổi mặt chữ. Với lại so ra, một quân cờ có hình dáng 3d rõ ràng là thích thú hơn một quân cờ trông giống như cái nắp chai lật úp xuống, phải không nào?
Phải nói là bộ cờ vua đấy xấu tệ. Quân cờ một bên màu đỏ, một bên màu đen. nhẹ tênh, đến đỗi bạn có thể xếp cả bộ quân ra, thổi một hơi là đủ để tụi nó ngã lăn hết. Bàn cờ thì làm bằng giấy tái chế loại dỏm nhất. Sau này, tôi còn biết được rằng bàn cờ bị in sai… (Dù thế nào, tôi cũng thực sự muốn mua lại nó, ôn lại kỉ niệm một thời. Tiếc là bộ cờ này đã không còn được sản xuất.)
Trong bộ cờ có một mẫu giấy nhỏ, hướng dẫn cách đi quân. Chúng tôi cứ vậy mà bắt chước, xếp cờ rồi chơi. Tờ hướng dẫn không rõ ràng hoặc là chúng tôi ngốc, luật chơi cứ loạn cả lên. Hồi ấy, Mã là quân cờ mạnh nhất. Chúng tôi sử dụng Mã – quét sạch tất cả các quân của đối thủ trên đường đi – giống như là chơi cá ngựa vậy. Còn chốt, chúng tôi cứ cho ăn thẳng, ăn chéo đủ cả, bá đạo chưa?
Đó đơn thuần là một trò chơi. Chúng tôi chơi cho vui, xen kẽ giữa các ngày chơi cờ cá ngựa với bà nội. Khi thích thì chơi hăng lắm. Khi chán, chúng tôi xếp xó nó cả tuần, nữa tháng, rồi lại lấy ra chơi.
Lúc ấy, tôi đâu ngờ rằng sau này, đời tôi lại gắn bó với cái môn chơi này nhiều đến thế…
Xin được chia sẻ bài viết. Người ta gắn vào các môn cờ nhiều ý nghĩa quá quên mất trước nhất đó là một trò chơi. Và mọi người chơi cờ bây giờ khá nhiều là vì lợi ích của nó.
Hi!
Cảm ơn bình luận của Chi. Mình cũng đồng quan điểm.
Cờ vua nói riêng hay các bộ môn cờ nói chung – trước hết là một trò chơi. Trẻ tập cờ trước tiên là chơi vui, và việc này không có gì là xấu cả. Với trẻ em thì trò chơi cũng nghiêm túc như một công việc bất kỳ của người lớn. Tiếc là nhiều người không nghĩ như vậy nên gán đủ loại lợi ích vào, điển hình nhất là chơi cờ…để thông minh hơn.