10 phút để đọc 

10 sai lầm phổ biến của người mới chơi cờ

Trên thực tế, có một điều luôn đúng với tất cả những người chơi cờ, đó là chúng ta đều muốn chơi giỏi hơn, từ người mới học di chuyển quân cho đến Magnus Carlsen. Tin tốt dành cho bạn là, dù bạn đang ở cấp độ nào đi nữa thì luôn luôn có cách để cải thiện.

Nhưng điều đó cần đến sự luyện tập, bởi vì sai lầm trong mỗi ván đấu luôn chực chờ ở nước đi tiếp theo, nó lơ lửng trên bàn tay đang chuẩn bị đi quân của bạn.

hình ảnh bài viết 10 sai lầm phổ biến của người mới chơi cờ

Những người mới bắt đầu chơi thường cho rằng sự khác biệt giữa những “tay gà mờ” và các kiện tướng là số sai lầm họ mắc phải trong các ván đấu. Tuy nhiên, khác biệt thật sự nằm ở loại sai lầm, chứ không phải số lỗi sai. Trong khi người mới chơi ngồi nhìn đối thủ bắt hết các quân của mình, thì kì thủ nhiều kinh nghiệm thường chỉ mắc những lỗi như tạo ra ô yếu hoặc chốt yếu ví dụ vậy.

Chúng ta có thể nhận định rằng lỗi sai của người mới chơi thường nghiêm trọng hơn, nhưng trong bài này, mình sẽ chỉ đề cập đến những lỗi sai thường gặp và nên tránh thôi nhé.

NHỮNG SAI LẦM TRONG KHAI CUỘC

Người mới chơi cần nắm những quy tắc sau đây trong khai cuộc:

  • Kiểm soát khu trung tâm (nếu được, hãy chiếm lĩnh trung tâm, bằng cách đặt chốt của mình vào khu vực này).
  • Phát triển những quân nhẹ (tượng và mã) sớm nhất có thể
  • Nhập thành sớm để bảo vệ vua

Không triển khai theo những nguyên tắc cơ bản trên là lỗi sai phổ biến nhất trong giai đoạn này của ván đấu.

Sai lầm số 1: Đi quá nhiều nước bằng các chốt

Trong giai đoạn khai cuộc, bạn chỉ nên đi một vài nước với chốt, mục đích của những nước đi này chỉ để kiểm soát và chiếm lĩnh khu trung tâm (cũng như chiếm khu vực giữa sân trong bóng đá, kiểm soát trung tâm bàn cờ là một điều cơ bản). Tuy nhiên, nhiều người mới chơi thường phạm sai lầm: sử dụng quá nhiều nước đi để di chuyển các chốt, điều này làm trì hoãn khả năng phát triển Mã và Tượng. Hơn nữa, mất quá nhiều nước cho chốt cũng làm Vua đứng ở trung tâm quá lâu. Bẫy Légal mà bạn thường nghe nói đến trong cờ vua chính là ví dụ của việc trì hoãn khả năng phát triển quân do di chuyển quá nhiều nước bằng chốt.

Sai lầm số 2: Phát triển hậu quá sớm

Tất cả những người chơi cờ đều biết rằng quân “quyền lực” nhất trên bàn cờ chính là quân Hậu. Điều này có thể làm cho một số người chơi lầm tưởng và cố gắng phát triển Hậu sớm nhất có thể ngay từ đầu ván đấu. Tuy nhiên, như mình đã nói, cần phải phát triển Mã và Tượng trước tiên. Di chuyển Hậu quá sớm có thể làm Hậu dễ bị tấn công bởi quân đối thủ. Trong nhiều trường hợp, khi ta đi Hậu sớm, đối thủ sẽ cố gắng tấn công Hậu trong quá trình phát triển quân của họ, như vậy ta buộc phải di chuyển để bảo vệ Hậu khỏi bị bắt quân.

Sai lầm số 3: Giữ vua ở trung tâm

Sự an toàn của Vua rõ ràng chính là “mục tiêu tối thượng” trong mọi ván cờ. Chúng ta thường trì hoãn việc nhập thành bởi không nhìn thấy hiểm họa nào trước mắt cả, nhưng có một điều bạn cần lưu ý, đặc biệt trong giai đoạn mới học chơi cờ, đó là quy tắc: nhập thành sớm nhất có thể. Rủi ro của việc giữ vua ở trung tâm được thể hiện trong ví dụ bên dưới:

NHỮNG SAI LẦM TRONG TRUNG CUỘC

Nếu bạn đã tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong khai cuộc (chiếm khu trung tâm, phát triển các quân nhẹ, và nhập thành sớm nhất có thể), lúc này bạn sẽ đứng trước trung cuộc với thế cờ tối ưu nhất. Tuy nhiên, đến đây lại có một vài lỗi điển hình cần tránh. Chúng ta cùng theo dõi những ví dụ sau đây nhé:

Sai lầm số 4: Không bảo vệ quân

Có một thuật ngữ cờ vua mà bạn cần biết: bố trí quân hài hòa. Điều này có nghĩa là các quân của bạn chiếm lĩnh được những ô mạnh (những ô giúp quân cờ của bạn trở nên tích cực – gây nhiều ảnh hưởng đến thế trận của đối phương), và tốt nhất là những ô giúp chúng có thể phối hợp hành động tiếp nối (ví dụ: Bc4 kết hợp với Ng5 để tấn công f7). Bạn không nên để quân “trơ trọi” (không được bảo vệ), vì đối thủ có thể lợi dụng điều đó để tạo ra các mối đe dọa chiến thuật (thường là đòn bắt đôi). Như vậy, các quân cờ của ta phải bảo vệ lẫn nhau. Điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhưng ít nhất bạn phải chú ý không được để quá nhiều quân không được bảo vệ. Trong 3 ví dụ dưới đây, cờ Trắng có thể tận dụng cơ hội để tấn công chiến thuật vì đối thủ để quân không được bảo vệ. Bạn có biết phải làm sao không?

Tình huống chiến thuật 1Lời giải

Tình huống chiến thuật 2Lời giải

Tình huống chiến thuật 3Lời giải

Sai lầm số 5: Không sử dụng quân Xe trong cuộc chiến

Nếu như trong khai cuộc chúng ta tìm cách để phát triển Mã và Tượng, thì trong trung cuộc, những quân nặng (Hậu và Xe) phải được sử dụng. Thường thì ta cần phải “làm trống” hàng ngang thứ nhất để kết nối 2 quân Xe (nghĩa là cần phải di chuyển Hậu đến một ô nào đó được được để 2 Xe có thể liên lạc với nhau).

Quân Xe đóng vai trò chính trong trung cuộc, và như vậy, bạn cần đưa chúng vào những ô tốt nhất, lý tưởng nhất là những cột mở hoặc nửa mở. Cột mở là cột không có chốt của bất kì bên nào. Cột nửa mở là cột không có chốt của ta nhưng có chốt của đối phương. Càng về sau, khi 2 bên đã đổi chốt được kha khá, một vài cột sẽ trống và bạn phải cố gắng đưa Xe vào đấy để kích hoạt sức mạnh của chúng.

hình ảnh bài viết 10 sai lầm phổ biến của người mới chơi cờ

Một lỗi rất thường gặp là để yên một trong 2 Xe ở ô bắt đầu và như vậy quên mất một quân mà lẽ ra đã có thể tham gia vào ván đấu.

Nếu không có cột mở nào cả, đôi khi chúng ta cũng có thể đưa Xe và các cột trung tâm, đằng sau các chốt đã dâng cao nhất.

Sai lầm số 6: Tự làm yếu thành

Ở khai cuộc, chúng ta nhập thành để bảo vệ vua. Trong trung cuộc, nhiệm vụ tiếp theo là phải bảo vệ thành bằng mọi cách. Để làm được điều này, bạn không nên dùng các chốt đang bảo vệ vua để tấn công. Vì nhiệm vụ của chúng là giữ an toàn cho vua, do đó khi chúng di chuyển, vua sẽ không còn ai bảo vệ.

Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý không được để chốt chồng trong khu vực thành, phải cực kỳ cẩn thận khi đổi quân trong “vùng 16 mét 50” này.

Mặt khác, để bảo vệ thành bạn cũng phải giữ các quân bảo vệ đứng gần đó, đặc biệt khi đối phương đang hăm he đem quân sang tấn công.

Sai lầm số 7: Chơi không có kế hoạch

Nhiều người nói chơi với một kế hoạch tồi còn tốt hơn không có kế hoạch nào cả. Và tin mình đi, họ nói không sai đâu. Một trong những lỗi thường gặp nhất bởi người mới chơi cờ chính là chơi cờ một cách ngẫu nhiên. Thật ra, mỗi nước cờ bạn đi đều phải là một phần của kế hoạch. Nhớ nhé!

hình ảnh bài viết 10 sai lầm phổ biến của người mới chơi cờ

Trong trung cuộc, biết được bạn muốn làm gì rất quan trọng. Nếu bạn chỉ đi quân vì đến lượt bạn phải đi, thì chưa đủ. Nước đi của bạn phải có ý nghĩa, và nếu có thể, nó phải là một phần của kế hoạch. Đừng lo, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta tiếp tục chơi và có nhiều kinh nghiệm hơn.

Đó là lý do tại sao các kì thủ cờ vua phải làm quen với việc phân tích các thế cờ và rút kinh nghiệm từ các sai lầm trong ván đấu, học tập để nhận biết các dạng điểm yếu chính (ảnh hưởng trực tiếp đến Vua hoặc các ô yếu, các chốt yếu…)

2 cách xử lý khi rơi vào thế không biết phải làm gì tiếp theo:

  1. Phát triển quân của mình
  2. Đoán định  kế hoạch của đối thủ, tính trước họ sẽ làm gì tiếp theo và tìm cách tránh
NHỮNG SAI LẦM TRONG TÀN CUỘC

Sai lầm số 8: Không sử dụng Vua

Trong khai cuộc và trung cuộc, chúng ta TUYỆT NHIÊN nhấn mạnh việc đưa vua vào nơi an toàn đến nỗi một vài người mới bắt đầu chơi có thể sẽ quên rằng trong tàn cuộc, vai trò của Vua CẦN PHẢI ĐƯỢC TÍCH CỰC HÓA. 

Càng ít quân cờ còn lại trên bàn, Vua càng ít có nguy cơ bị tấn công (ta cũng có ít cơ hội tấn công Vua đối phương). Đây là lúc Vua có thể hoạt động. Vua lúc này cũng như các quân khác, cũng có thể tạo ra các mối đe dọa và giành đất diễn về mình.

hình ảnh bài viết 10 sai lầm phổ biến của người mới chơi cờ

Trên thực tế, đôi khi một trong 2 kì thủ không thể di chuyển Vua được, tình huống này rất hay xảy ra khi cờ chỉ còn một quân Vua. Có một ván đấu làm mình ấn tượng rất lâu rồi, khi đó vua Đen bị đưa vào thế không di chuyển được, thế là Trắng phong Hậu và thắng.

Sai lầm số 9: Không chú ý đến chốt thông

Chốt thông rõ ràng chính là “diễn viên chính” trong tàn cuộc. Khi học về giá trị quân cờ, chúng ta cứ mãi khắc ghi trong đầu quân chốt chỉ đáng 1 điểm. Tuy nhiên, càng có ít quân trên bàn cờ, giá trị của chốt càng tăng lên, nhất là khi chúng trở thành chốt thông (đó là khi quân chốt không bị cản bởi bất kì chốt nào khác trên đường tiến lên).

Chìa khóa chính để thắng trong tàn cuộc là tạo ra chốt thông. Dưới đây là một vài ví dụ:

Chốt thông - tình huống 1Lời giải

Chốt thông - tình huống 2Lời giải

Sai lầm số 10: Phạm lỗi trong những thế cờ tàn cuộc đơn giản

Để cải thiện khả năng chơi cờ, chỉ tập luyện chăm chỉ thôi là chưa đủ. Bạn cần phải tìm hiểu , bổ sung một ít thế cờ mẫu, bởi vì trong tàn cuộc, biết trước một số thế cờ lý thuyết rất hữu ích. 

Ngoài những thế cờ đơn giản (Vua và Hậu, Vua và Xe, Vua và 2 tượng), bạn cũng cần biết một vài điều cơ bản khác, như thế “Đối vua” trong cờ tàn chốt, thế “Chốt cột biên và Tượng chống Vua đơn độc” hay thế “Hậu chống chốt sắp phong cấp của đối phương  trên hàng 7”. 

Nhiều người chơi cờ dành hết thời gian chỉ để học khai cuộc bởi họ nghĩ tàn cuộc thường hoặc quá chán hoặc quá khó. Mình khuyên bạn nên tìm hiểu nhiều hơn về tàn cuộc, chúng cũng thú vị lắm đấy.

Hãy để lại bình luận bên dưới và cho mình biết ý kiến của các bạn nhé!

4.7 26 votes
Tặng sao khích lệ:
Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Picture of duyen

duyen

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
5 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Nga Nguyễn
Nga Nguyễn
5 years ago

Mình không biết chơi cờ vua nhưng cũng chúc bạn nhiều thành công trong công việc!

Tuấn Long
Admin
5 years ago
Reply to  Nga Nguyễn

Hi Nga,
Duyen chắc phải khá lâu nữa mới trở lại viết bài, nên mình xin thay mặt, nhận lời động viên từ bạn.
Cảm ơn bạn nhiều nghen!
Nếu bạn muốn tìm hiểu cờ vua, có thể bắt đầu từ đây: https://chess.edu.vn/kien-thuc-chung/cach-di-quan-co-ban/

Chúc bạn luôn vui, trong tất cả mọi việc.

nguyễn khanq
nguyễn khanq
4 years ago

B lm blog về thế trận 2 tượng đầu trận cùng hậu mang lợi thế dc k

Tuấn Long
Admin
4 years ago
Reply to  nguyễn khanq

Ý bạn là “Ưu thế cặp tượng” hở bạn?

Linh
Linh
4 years ago

Cảm ơn anh

5
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x