Hồi tháng trước, vô tình biết đến một dự án khảo sát “Nghiên cứu tác động của khả năng hình dung hình ảnh đến sức cờ“, mình đã vô cùng phấn khích. Thực hiện khảo sát xong, mình email ngay cho Merlin Monzel – người hướng dẫn đề tài này (nhà tâm lý học, đại học Bonn, Germany) đề nghị đề mình dịch các câu hỏi khảo sát sang tiếng Việt luôn. Mình làm miễn phí, không cần thù lao gì hết.
Với việc này, mình hi vọng nhóm nghiên cứu tập hợp được nhiều mẫu dữ liệu hơn. Vì theo mình thấy, nghiên cứu khoa học có ích cho cả 2 hướng: ứng dụng và nâng cao chuyên môn.
Về ứng dụng: Vốn dĩ mục đích xa hơn của nghiên cứu là đưa ra được kết luận về khả năng hình dung hình đến việc lên kế hoạch của con người.
Về chuyên môn: (khúc này mình nói hơi dài tí) không biết mọi người thì như thế nào, chứ hồi nhỏ mình học cờ, hay nhận được lời khuyên là phải tập ghi nhớ bàn cờ ở trong đầu, rồi khi tính biến, phải tưởng tượng ra được các quân cờ vừa di chuyển thế nào, đang ở đâu. Bài tập đầu tiên của hướng này là bịt mắt đoán màu ô, rồi sau đó phức tạp dần lên.
Có những bạn đồng trang lứa hồi đó thực hiện các bài luyện này rất trôi chảy. Riêng mình thì không dễ để hình dung. Ví dụ:khi được hỏi ô f4 có màu gì, mình sẽ phải làm các bước:
1. Nhớ ô h1 góc phải bàn cờ là ô màu sáng
2. Từ ô h1, tính dần vào trong theo đường chéo: g2 và f3 cũng sẽ là ô màu sáng.
3. Như vậy f4 là ô màu sẫm.
Mình đã không (hoặc không thể) sử dụng khả năng hình dung hình ảnh, mà chỉ dùng trí nhớ và phép loại-suy. Hồi đó mình nghĩ rằng do bản thân kém. Nhưng sau này mình nhận ra rằng khả năng hình dung hình ảnh của mỗi người là rất khác nhau. Sẽ có người giống như Beth Harmon trong Queen Gambit: hình dung được thế cờ như một máy chiếu lập thể 3d. Cũng có người sẽ không tưởng tượng được bất cứ hình ảnh nào trong tâm trí.
Với nhóm hình dung hình ảnh rõ ràng: mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Với nhóm yếu ở khả năng này: tốc độ tính toán và sự chính xác của nước đi sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào trí nhớ trực quan và trí nhớ ngắn hạn. Phương pháp cố gắng khiên cưỡng để hình dung hình ảnh sẽ không hiệu quả ít nhất là với nhóm này. Vậy nên, áp dụng cách này đại trà trong việc dạy – học cờ là không thật sự hợp lý. Rồi từ kết quả của những bài luyện tập này mà suy định một ai đó có năng khiếu hay không lại càng sai.
Hi vọng là sau này, mình có thể sử dụng kết quả của nghiên cứu để lập team, tìm ra cách luyện tập phù hợp cho từng đối tượng với khả năng hình dung hình ảnh khác nhau. Mình cũng có một giả thuyết cần chứng mình: rằng cờ vua – ngoài những ích lợi hay được nhắc đến nhan nhản – còn là một công cụ tuyệt vời để giúp những người bị chứng Aphantasia (mù tâm trí) trung hòa những bất lợi có thể gặp phải trong cuộc sống.
Trong bài khảo sát, sẽ có những câu văn có vẻ kỳ cục nếu xét theo ngữ pháp Tiếng Việt: ví dụ như: hình Tròn không được thích bởi hình Tam giác. Mọi người thông cảm nha. Câu văn trên có thể diễn đạt trở thành Tam giác không thích Tròn, hoặc Tròn không được Tam Giác thích – nghe ổn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mình được hướng dẫn rằng phải để các câu trong bản dịch càng sát với cấu trúc câu của bản gốc (bằng tiếng Đức và tiếng Anh) càng tốt.
Để cảm ơn, mình sẽ gửi một món quà nho nhỏ (cái này là đề nghị từ phía mình, chứ hông phải của nhóm nghiên cứu nhe) đến người tham dự khảo sát. Mình dự định đó sẽ là “hệ thống suy nghĩ thực chiến để lựa chọn nước đi tối ưu”. Mình đúc kết từ kinh nghiệm thi đấu và giảng dạy, biên soạn theo hướng ngắn gọn và dễ áp dụng vào các cán cờ. Dĩ nhiên là ai mạnh sẵn rồi thì hổng cần đâu, nhưng mình nghĩ sẽ có ích cho các bạn mới bắt đầu và ít kinh nghiệm. Bạn nào thực hiện khảo sát rồi, xin hãy để lại email, mình sẽ gửi sau khi soạn xong.
Mình xin cảm ơn lần nữa, và rất hi vọng nhận được giúp đỡ từ cộng đồng kỳ thủ, cho khảo sát khoa học này của nhóm nghiên cứu và những mục tiêu cá nhân của mình.
Ngoài ra, bạn có thể:
Email cho mình nếu có đóng góp riêng về bản dịch: hi@chess.edu.vn
Email cho người hướng dẫn nghiên cứu này nếu có vấn đề gì về dự án nói chung: merlin.monzel@uni-bonn.de
Em chào anh. Em có quan tâm đến chủ đề nghiên cứu này, bản thân cũng gặp khó khăn khi ghi nhớ bàn cờ và tưởng tượng nước đi. Thời điểm làm khảo sát đã kết thúc nên em không được tiếp cận bảng hỏi nữa, anh có thông tin gì về quá trình nghiên cứu và ấn phẩm của nó không ạ? Em rất mong được anh chia sẻ để có thể tham khảo cho việc luyện tập ạ.
lâu quá anh cũng chưa liên hệ với họ để hỏi.
anh sẽ hỏi xem sao, có gì anh sẽ nhắn em biết.