Đây là phần 1 trong loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua

CUỘC TRUY TÌM

NHỮNG TRANH LUẬN

VỀ NGUỒN GỐC THẬT SỰ CỦA CỜ VUA

6 phút để đọc 

I. Những truyền thuyết về sự ra đời của Cờ vua

Cờ Vua hiện đại là một hiện tượng toàn cầu. Quá trình hình thành, phát triển của nó liên quan đến nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia, thế nên không có gì lạ khi tồn tại rất nhiều giả thuyết liên quan đến sự ra đời của Cờ Vua.

Ít nhất, đã có 7 quốc gia được tuyên bố là quê hương, nơi khai sinh ra môn chơi nổi tiếng này, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Ai-cập, Hy Lạp, Assyria, Persia (Ba Tư) và Arabia (Ả rập). Một mặt, các học giả cố gắng phản biện những giả thuyết khác, một mặt lại cố gắng chứng minh giả thuyết của mình.

Theo đó,  Cờ Vua – hay dạng nguyên thủy của Cờ Vua – đươc cho là đã được chơi lần đầu tiên bởi Aristotle, Yafet Ibn Nuh (Japhet – son of  Noah: Japhet – con trai của Noah),  Sam be Nuh (Shem),  Solomon hay thậm chí là… Adam.

Trong số các giả thuyết, có giả thuyết có vẻ logic, có giả thuyết có vẻ ít logic, thậm chí, có giả thuyết có vẻ phi logic khi xây dựng nền tảng liên quan đến những nhân vật huyền thoại, chưa thể xác định là có thật sự tồn tại hay không trong lịch sử nhân loại. Các giả thuyết tuy mâu thuẫn lẫn nhau nhưng ở cái nhìn tổng quan, ta có thể thấy tầm ảnh hưởng lớn của môn chơi này, khi nó đều được thừa nhận bởi những nền văn minh tiên tiến nhất trong lịch sử cổ đại (và nếu như môn chơi này không được đánh giá cao, hẳn đã không tồn tại nhiều giả thuyết tranh luận đến thế!) Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có lí lẽ của mình và quả thật, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có những ảnh hưởng nhất định đến sự hình thành, phát triển Cờ Vua.

Tuy vậy,  khi xét về nguồn gốc, giả thuyết Cờ Vua được khai sinh từ Ấn Độ chiếm ưu thế về độ tin cậy và được tán đồng bởi đa số các nhà nghiên cứu.

II. Tìm kiếm sự thật...

Bài viết được phát triển trên cơ sở không thừa nhận một cách máy móc bất cứ một giả thuyết nào (kể cả thuyết nguồn gốc Ấn Độ). Thay vào đó, mình sẽ cố gắng tập trung khai thác các cứ liệu khoa học để làm rõ vấn đề.

Bước đầu, dựa vào nơi tìm thấy các cứ liệu và niên đại của chúng, có thể tạm giới hạn nơi khai sinh Cờ Vua ở một trong 3 quốc gia: Ấn Độ, Ba Tư và Trung Hoa.

Ta sẽ  căn cứ vào mức độ hợp lí của các cứ liệu để cho điểm, xếp hạng. Ở mỗi hạng mục cứ liệu, cả 3 quốc gia sẽ cùng chia sẻ tổng điểm 5. Sau khi lần lượt khảo sát các nguồn cứ liệu, quốc gia nào có điểm xếp hạng cao hơn thì có nhiều khả năng là nơi khai sinh Cờ Vua hơn.

Các cứ liệu được sử dụng bao gồm: truyền thống của một số quốc gia, vùng lãnh thổ (được cho là cái nôi của Cờ Vua như đã kể trên); những văn bản cổ; những chứng cứ khảo cổ học; những manh mối liên quan đến ngữ âm học.

III. Những giải đoán về mặt ngữ âm (The Philisophy)

Chaturanga là tên trò chơi Cờ vua cổ đại của Ấn Độ. Giả thuyết “Gốc Ấn Độ” xác định đây là phiên bản nguyên thủy, sơ khai nhưng toàn vẹn nhất về đặc trưng của cờ vua. Và từ Chaturanga, các phiên bản Cờ khác dần xuất hiện trên cơ sở tiếp thu, cải biến

Nếu xem Cờ như một sản phẩm trí tuệ, được mô hình hóa từ các quân chủng thì sự hiện diện của Voi là một luận điểm quan trọng để củng cố cho thuyết “gốc Ấn Độ”. Tuy vậy, việc sử dụng Voi trong quân sự cũng khá thông dụng ở Ba Tư.

Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng từ Chatrang (cờ vua) trong tiếng Ba Tư có nguồn gốc từ từ “Chaturanga” trong tiếng Sanskrit.

Nếu nhận định này là đúng, đó sẽ là một căn cứ quan trọng cho giả thuyết “gốc Ấn Độ”. Tuy vậy, ngoài từ Chaturanga, không còn từ nào khác được chuyển ngữ thành tiếng Ba Tư hay Ả rập. Lẽ ra nên có nhiều manh mối về mặt ngữ âm hơn nếu thật sự Cờ Vua là một trò chơi Ấn Độ.

Tất cả những thuật ngữ Cờ Vua hiện đại khác như tên gọi quân Cờ, cách phát âm đều có gốc từ Ba Tư chính thống, ví dụ như từ “checkmate” và “Rook” có nguồn gốc từ từ “Shah mat” và “Rokh”.

Ta vẫn có thể giải thích hiện tượng này theo thuyết “Gốc Ấn Độ”. Tên trò chơi được giữ lại (tuy không thật sự nguyên vẹn vì những sai biệt về âm ngữ trong phiên âm từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác), còn các quân có thể thay đổi để phù hợp với thói quen, văn hóa nơi tiếp nhận. Ví dụ, quân cờ đại diện cho Bộ binh lại được chuyển đổi thành “Nông dân” trong tiếng Đức. Còn quân “Tượng binh, Voi” lại được chuyển đổi thành “Giám mục” (Bishop) ở các nước phương Tây. Khi sang Việt Nam, các dịch giả lại dịch “Bishop” trở lại là “quân Tượng”, vì văn hóa Việt Nam đã quen với cách gọi này khi cũng tiếp nhận một cách tích cực Cờ Tướng (Xiangqi) của Trung Quốc. Đây là những ví dụ trong Cờ Vua hiện đại ngày nay. Những thay đổi về mặt ngữ âm cũng có thể xảy ra theo cách tương tự trong thời cổ đại.

Với luận điểm này, ta cũng có thể giải thích tại sao không một tên gọi, thuật ngữ nào trong Xiangqi của Trung Quốc được sử dụng ở Ấn Độ hay Ba Tư – theo hướng có lợi cho thuyết “gốc Trung Quốc”.

Tạm kết:

Các nhà ngữ âm học khẳng định gốc từ “chaturanga” xuất hiện trước tiên.

Về cơ bản, Ấn Độ chiến thắng trong cuộc tranh luận này. Tuy vậy, Ba Tư và Trung Quốc cũng không quá thua kém, khi vẫn có thể đưa ra những phản biện hợp lí. Điểm số có thể được phân bố như sau:

Ấn Độ: 2 điểm
Ba Tư: 1.5 điểm
Trung Quốc: 1.5 điểm

(CÒN TIẾP)

4.5 2 votes
Tặng sao khích lệ:

Cùng loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua  

Cuộc tìm kiếm và những tranh luận về nguồn gốc thật sự của cờ vua – P2 >>

0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x

Đừng bỏ lỡ...