Đây là phần 2 trong loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua
6 phút để đọc
Trong phần trước, chúng ta đã điểm qua những cứ liệu về mặt ngữ âm để tìm kiếm sự thật về nguồn gốc của cờ vua. Ở phần này, những cứ liệu về truyền thống/ truyền thuyết của các quốc gia sẽ được xét đến.
IV. Tiếng nói từ truyền thống các quốc gia (The Traditions)
Trong nhiều thế kỷ, lịch sử chủ yếu là những truyền thống được ghi nhận lại. Ngày nay, những nhà sử học hiện đại có nhiều tư liệu hơn để học tập, tìm hiểu về chuyên môn của mình. Tuy vậy, không nên xem nhẹ tiếng nói từ những truyền thống, khi nó vẫn có thể ẩn chứa một phần nào đó sự thật.
a) Truyền thống/ truyền thuyết Ba Tư
Cùng lúc với văn bản đầu tiên về Cờ Vua xuất hiện, người Ba Tư (Persians) từng nói rằng họ được một đại sứ vùng đất “Hind” truyền dạy môn chơi này. Địa danh này thường được hiểu là Ấn Độ (India). Rất có thể đã có sự nhầm lẫn, vì hình dạng và biên giới các quốc gia hiện đại và cổ đại rất khác biệt, thậm chí chồng chéo lên nhau. Cho đến khi đế chế Sassanian (AD 224 – AD 651) [1]sụp đổ, Hind được dùng để chỉ một vùng đất, hiện nay là tỉnh Sindh ở Pakistan.
Tiếp đến, sau cuộc xâm lược của người Ả rập (Arab), quan điểm Cờ Vua đến từ Ấn Độ đã được kể, viết, kể lại, viết lại trong các bản viết tay của người Ả rập [2]. Rõ ràng là, truyền thống Ba Tư và Ả rập đều cho rằng Cờ Vua đến từ Ấn Độ. Không có một câu nói, hay văn bản cổ nào tranh cãi Cờ Vua đến từ Ba Tư.
Liệu đây có phải là sự thật? Dĩ nhiên, cơ sở cho khẳng định trên đến từ những truyền thuyết. Và truyền thuyết thì không phải lúc nào cũng tường thuật lại sự kiện một cách chính xác. Sau thế chiến thứ II, tất cả những gì hay và đẹp ở Châu Âu đều được cho là đến từ Mỹ. Tâm thức này có lẽ cũng không quá khác biệt – đối với những vương quốc cổ đại. Trong thời điểm đó, Ấn Độ là một nền văn minh có ảnh hưởng lớn, và với người Ba Tư, tất cả những gì tuyệt nhất được họ cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ. Từ góc nhìn này, quan điểm “truyền thuyết” Cờ Vua đến từ Ấn Độ cần được cân nhắc lại. Tuy vậy, không thể phủ nhận hoàn toàn những hiểu biết có được từ nguồn tư liệu truyền thuyết.
[1] “A Brief History”. Culture of Iran, tháng 11 năm 2007.
[2] Chi tiết hơn, có thể tham khảo History of Chess của tác giả Murray.
b) Truyền thống/ truyền thuyết Ấn Độ
Những ghi chép cổ xưa về Cờ Vua rất khan hiếm, ít nhất là cho đến năm AD 1000, và không có thông tin liên quan nào có thể thu thập được – trước mốc thời gian này. Sau đó, các tác giả Ấn Độ cho rằng Cờ Vua có nguồn gốc Ấn Độ với sự chắc chắn gần như tuyệt đối. Theo đó, các tác giả này cho rằng có ít nhất 3 câu chuyện có thể được viện dẫn cho sự ra đời của Cờ Vua.
Câu chuyện thứ nhất – cũng là câu chuyện hay được viện dẫn nhất xác định thời điểm Chaturanga xuất hiện trùng khớp với thời đại của Alexander Đại đế (BC.336 – BC.323). Lúc bấy giờ, ở Ấn Đố cũng có 1 vị vua hùng mạnh không kém, tên Kaid. Trong thời gian vua Kaid trị vì, không có một đối thủ, kẻ thù ngoài biên giới nào dám xâm phạm bờ cõi, cũng như không có một mầm mống nào dám nổi loạn trong đất nước. Tuy sống trong cảnh thanh bình nhưng máu huyết của 1 vị thũ lĩnh, 1 vị vua hùng mạnh khiến ông không ngừng suy nghĩ đến những cuộc chiến, những đợt tấn công, những chiến thắng vẻ vang, hiển hách. Vua Kaid bèn đem những muộn phiền của mình thổ lộ cho nhà thông thái Sassa, hỏi nhà thông thái về một giải pháp giúp cho tâm trí ông trở nên an bình, tĩnh lặng. Sassa đã giới thiệu một trò chơi mô phỏng chiến trận – diễn ra trên một bàn cờ 64 – cho vua Kaid, và nhà vua đã lĩnh hội một cách rất tài tình, đầy vui thích và thỏa mãn. Nhà thông thái được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng cho mình. Với vẻ nhún nhường, khiêm tốn, ông chỉ xin nhà Vua lần lượt cho ông những hạt thóc tương ứng với 64 ô trên bàn cờ, số thóc ở ô sau lần lượt gấp đôi số thóc ở ô trước. Thoạt nghe có phần nực cười vì nghĩ những hạt thóc nhỏ bé chẳng đáng là bao, nhà Vua nhận lời ngay và giục quần thần đếm thóc thưởng cho nhà thông thái. Sau hồi lâu tính toán, quần thần kinh hãi tâu cho vua biết con số ấy là 18 446 744 073 709 551 615 hạt. Họ cũng đếm xem bao nhiêu hạt thóc thì được 1 cân, từ đó đi đến kết luận rằng không thể nào đủ thóc để trả cho nhà thông thái, bởi dù có đem hết kho thóc của nhà Vua, gộp với toàn bộ số thóc hiện có của cả nước Ấn Độ thì cũng còn rất xa mới đến ngưỡng con số nhà thông thái đề nghị. Nhà Vua bối rối vì sự hấp tấp thiếu suy xét của mình, mà lệnh thì đã ban ra, không thể thu hồi được. Để gỡ bí cho Nhà Vua, nhà thông thái đề nghị để ông tự đếm số thóc, đếm được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, không đếm được thì không nhận, và lại đêm ngày ông còn phải lo việc khác nên bất quá cũng chỉ đếm được vài ba đấu mà thôi… Đến đây, nhà Vua lại càng khâm phụ tài trí và sự ôn hòa của nhà thông thái…
Trong khoảng thời gian này, Ấn Độ đã có những liên hệ với thế giới Ả rập, Hồi Giáo. Và với sự thật là người Ả rập cũng cho rằng Cờ Vua đến từ Ấn Độ, niềm tin này càng trở nên có cơ sở.
Câu chuyện thứ 2 kể rằng: sau cái chết của vua Fur – vị vua có sự nghiệp đầy hiển hách, con trai ông không có đủ kinh nghiệm trận mạc, chiến trường và bị đặt vào mối đe dọa bởi những thế lực thù địch bên ngoài. Những nhà thông thái hội họp cùng nhau, và sau cùng Sassa – con trai Dahir mang bàn cờ đến cho vị hoàng tử, thưa rằng: “chiến trận với những nguyên tắc chiến thuật được phản ánh một cách tuyệt vời qua trò chơi này. Hoàng tử phải luyện tập sự thận trọng và mạnh mẽ trong tấn công cũng như bình tĩnh tự tin trong phòng ngự ở đây, sau đó áp dụng vào chiến trường thực tế”. Hoàng tử với sự háo hức, đã tìm thấy những bài học bổ ích từ những chỉ dẫn của Sassa. Rất nhanh, hoàng tử hoàn toàn nắm được những nguyên lí của trò chơi, tập hợp những đạo quân và tự tin phản kích lại những thế lực thù địch, giành chiến thắng trên mọi phương diện. Hoàng tử trở về trong vinh quang và sau đó đã dành tình yêu đặc biệt cho Chatutanga, trò chơi đã cứu lấy danh dự, vương quốc và tính mạng của hoàng tử.
Ở câu chuyện thứ 3, khi vua May qua đời, hoàng hậu Paritchera đã thay nhà vua trị vì đất nước. Vua và hoàng hậu có 2 con trai, Ghav và Talachand. 2 hoàng tử trẻ dần trưởng thành, mong muốn được biết ai sẽ là người kế vị hoàng hậu. Vì muốn giữ hòa khí, Hoàng hậu đã che giấu ý định của mình, trao hi vọng một cách riêng biệt cho mỗi hoàng tử. Cho rằng mẹ đang ủng hộ mình, 2 người anh em tị hiềm, tập hợp quân đội, gây nội chiến, bất chấp những lời khuyên can từ hoàng hậu. Sau những diễn biến trận chiến, Talachand đã bị bao vây bởi quân lính của Ghav. Và có lẽ do quá uất ức, Talachand đã gục chết ngay trên lưng voi chiến của mình với không một tác động nào từ quân lính của Ghav… Những nhà thông thái soạn nên trò chơi Chaturanga – đại diện cho cuộc chiến đã qua của Ghav và Talachand. Người mẹ đau buồn lặng ngắm những quân cờ, và qua mỗi ngày chơi trò chơi, bà nhớ về cái chết của con trai, không thể chịu đựng và tha thứ cho lỗi lầm của mình. Sau một thời gian dài bà dần tìm được sự thiền định, tĩnh tại trong trò chơi.
c) Truyền thống/ truyền thuyết của "thế giới" Trung Quốc
Hiện nay, một số tác giả Trung Quốc cho rằng Cờ Vua có nguồn gốc Ấn Độ. Các tác giả cổ đại thì ngược lại, đã cố gắng chứng minh rằng Cờ Vua được tạo nên từ những hoàng đế huyền thoại, những tướng quân nổi tiếng trong sử thi. Ví dụ, đã có những sự khẳng định lập đi lập lại rằng Cờ Vua (Xiangqi – hay còn được biết đến với tên gọi Cờ Tướng) đã được phát minh bởi hoàng đế Wudi (561 – 578), người sáng lập vương triều Beizhou. Bên cạnh đó, thậm chí có ý kiến cho rằng người sáng lập Cờ Tướng là tướng quân Han Xin vào năm BC 203 (tuy có mốc thời gian, nhưng sự việc này gần với huyền thoại hơn là lịch sử!)
Có thể, những tác giả cổ đại không biết về lịch sử Cờ Vua ở những vùng đất khác ngoài đất nước của họ, vì vậy, họ chỉ việc thừa nhận rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hoặc giả, với cái nhìn đầu tiên về diện mạo bên ngoài – phiên bản Trung Quốc của Cờ Vua – Xiangqi – hoàn toàn không giống với phiên bản Ba Tư/ Ấn Độ, nên người Trung Quốc không có lí do gì để cho rằng Cờ có nguồn gốc ngoại quốc.
Tạm kết:
Theo những gì thu thập được từ truyền thống các quốc gia, Ấn Độ có ưu thế hoàn toàn so với Ba Tư, và Trung Quốc xếp ngay sau Ấn Độ. Với nguồn cứ liệu này, điểm số tạm được phân chia như sau:
Ấn Độ: 3 điểm
Trung Quốc: 2 điểm
Ba Tư: 0 điểm
(CÒN TIẾP)
chess.edu.vn original
Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng chess.edu.vn sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.
Nội dung từ Chess.edu.vn. Mọi quyền đều được bảo lưu. Vui lòng không sao chép, lưu trữ trên bất cứ nền tảng nào khác khi không có sự đồng ý từ tác giả.