Cuộc tìm kiếm và những tranh luận về nguồn gốc cờ vua – p5 – phần cuối

Đây là phần 5 trong loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua

I. Kết quả từ việc tổng hợp những nguồn cứ liệu

  Truyền thuyết Văn bản Hiện vật khảo cổ Ngữ âm Tổng điểm
Ba Tư 0 2.5 3 1.5 7
Ấn Độ 3 1 1 2 7
Trung Quốc 2 1.5 1 1.5 6

 

Cuối cùng, tranh luận của 3 giả thuyết “gốc Ba Tư”, “gốc Ấn Độ” và gốc “Trung Quốc” khi bàn về nguồn gốc (cái nôi khai sinh) Cờ Vua gần như là một kết quả hòa – khi những cá nhân quan tâm đến vấn đề vẫn có thể tranh luận để thêm hoặc bớt nửa điểm, một điểm ở chỗ này hoặc chỗ kia. Một điểm lợi thế của Ba Tư và Ấn Độ trước Trung Quốc không quá quan trọng.

Nếu người đọc không mang sẵn định kiến “gốc Ấn Độ” thì thật sự, kết quả này không đáng ngạc nhiên. Nó đã lí giải cho câu hỏi “tại sao nguồn gốc Cờ Vua lại gây nhiều tranh cãi?”  một cách khá thuyết phục. Ta có thể tìm thấy những phản biện, những cơ sở lí giải tốt ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ ứng viên. Ở cái nhìn tổng quan, có thể Ấn Độ đã khai sinh tên gọi trò chơi, trên cơ sở tập hợp và mô hình hóa những đạo quân truyền thống của mình. Ấn Độ cũng được chính người Ba Tư thừa nhận là nơi Cờ Vua được ra đời. Tuy vậy, những chứng cứ xác thực nhất minh chứng cho “sự ra đời”, sự thịnh hành lại được tìm thấy ở Ba Tư. Không dừng lại ở đó, phiên bản “Cờ Trung Quốc” lại có vẻ nguyên thủy hơn cả…

Cờ Vua đến từ phương Đông, từ châu Á, và trò chơi đã xuất hiện trước khi thế kỉ 6 kết thúc. Có 3 quốc gia, vùng lãnh thổ là ứng viên khai sinh Cờ Vua, bao gồm Ba Tư cổ đại (Với lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều so với Iran ngày nay: Trung Á, vùng đất dọc theo Con đường Tơ lụa. Uzbekistan, Afghanistan… đều đã từng thuộc về nền văn minh Ba Tư cổ), Ấn Độ (Bắc Ấn, bao gồm cả Kashmir và thung lũng Ganges), và Trung Quốc (gồm cả những vùng phụ thuộc). Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa đủ tư liệu để đi xa hơn những khẳng định trên.

Trò chơi có thể đã được phát minh ở Trung Quốc và sau đó được chuyển giao đến Serindians, Sogdians, Ba Tư và Ấn Độ, hoặc cũng có thể đã đi theo lộ trình ngược lại. Mỗi người có thể nghĩ về một kịch bản khác nhau, nhưng cần sự thận trọng, vì như đã trình bày – những đặc trưng của Cờ cổ đại rất khác biệt so với phiên bản quốc tế chúng ta đều đã biết hiện nay.

hình ảnh bài viết Cuộc tìm kiếm và những tranh luận về nguồn gốc cờ vua - p5 - phần cuối

II. Một hướng nghiên cứu, một hướng nhìn nhận khác về vấn đề

Khi thuyết “nguồn gốc Cờ Vua gắn liền với một địa danh duy nhất” không thể giải đáp tất cả câu hỏi được đặt ra, ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một hướng tư duy khác: phải chăng, ngay từ bước đầu hình thành, Cờ Vua đã mang nhiều nguồn gốc? (Hybrid Origin). Cơ sở cho hướng tư duy này đến từ việc phân tích cấu trúc các quân của trò chơi. Theo đó, ta có thể tạm phân chia các quân chủng trên bàn Cờ thành 3 nhóm như sau:

  1. Nhóm 1: Quân cờ trung tâm (trung tâm được hiểu theo 2 nghĩa: vị trí trung tâm – so với các quân Cờ còn lại, và tính chất trung tâm: toàn bộ cuộc chiến xoay quanh quân cờ này. Trong Cờ Vua hiện đại, quân Cờ trung tâm chính là quân Vua (King). Trong 2 người chơi, người nào để mất quân cờ này thì thua cuộc).
  2. Nhóm 2: Những quân cờ chỉ được chỉ được phép đi về phía trước (không đi lùi lại). Trong Cờ Vua hiện đại, quân Chốt (Pawn) thuộc nhóm này.
  3. Nhóm 3: Những quân cờ có thể di chuyển tự do, cả tiến và lùi. Trong Cờ Vua hiên đại, các quân Xe (Rock), Mã (Knight) Tượng (Bishop) thuộc nhóm này.

Quân cờ thuộc nhóm 1 có thể là ý tưởng được bắt nguồn từ Trung Quốc. Quân cờ thuộc nhóm 2 có thể là ý tưởng được bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ, và quân cờ thuộc nhóm 3 có thể thuộc về nền văn minh Ba Tư.

Các luận điểm nền tảng cho nhận định này gồm có:

-Thứ nhất, trò chơi Liubo của Trung Quốc được chơi trên một bàn cờ. Trên bàn cờ này, vị trí trung tâm được đánh dấu đặc biệt và một số học giả phân tích rằng mục đích của trò chơi là làm thế nào để quân cờ tiến được đến vị trí trung tâm đó. Ngoài ra, những thông tin khác về cách chơi vẫn đang được tìm hiểu.

– Tiếp đến, trong so sánh với quân Vua trong cờ Vua hiện đại, quân Tướng trongt trò chơi Xiangqi cũng thể hiện vai trò, tính chất và biểu hiện trung tâm cao hơn. Xiangqi phân bố các quân trên giao điểm các đường kẻ ngang, dọc. Quân Tướng đứng ở cột 5 – vị trí trục đối xứng cho các quân còn lại. Trong khi với Cờ vua, các quân được phân bổ trên các ô vuông. Quân Vua đứng ở hàng ngang thứ nhất, ô thứ 4 – đếm từ bên phải, và ô thứ 5 – đếm tứ bên trái, ko cân xứng như quân Tướng. Thêm 1 đặc điểm, theo qui định quân Tướng không bao giờ đi ra khỏi “khu vực trung tâm” được đánh dấu trên bàn cờ, còn quân Vua có thể đi đến bất kì ô nào.

– Theo thuyết “gốc Ấn Độ”, trò chơi Chaturanga là thủy tổ của Cờ vua. Nhưng trước khi có sự xuất hiện của Chaturanga chính thống, ở Ấn Độ đã tồn tại 1 loại hình Chaturanga dành cho 4 người chơi. Người chơi gieo xúc xắc để xác định xem sẽ di chuyển quân nào khi đến lượt của mình. Quan trọng hơn cả – quân Vua không hề tồn tại trong kiểu chơi này!

Mình xin phép không đi quá sâu vào từng luận điểm chứng chinh cho giả thuyết này vì vẫn cần thời gian để tìm hiểu thêm.

Thay vì cho rằng trò chơi có xuất phát điểm từ một quốc gia, lan tỏa đến nhiều quốc gia khác rồi biến đổi cho phù hợp (như những thuyết “gốc địa danh” đã được trình bày), hướng tư duy này mở ra một khả năng cần được xem xét nghiêm túc: ngay từ lúc hình thành, trò chơi có thể đã được xây dựng trên những “tiếp biến, vay mượn từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, sau đó lại được phát tán, và tiếp tục tiếp biến khi đến các xã hội khác nhau. Với hướng tư duy này, lí do Cờ Vua được tiếp nhận dễ dàng và phát triển mạnh mẽ trong thời cổ đại là do những nơi tiếp nhận đều thấy được ở Cờ Vua những gần gũi, tương đồng với văn hóa của mình. Giả thuyết tuy có phần phức tạp hơn, nhưng phù hợp hơn với thực tế – khi các giao lưu, tương tác văn hóa ở phương Đông vào khoảng thế kỷ thứ VI, VII diễn ra vô cùng mạnh mẽ và chồng chéo.

III. Lời kết

Tạm gác lại những tranh luận về nguồn gốc, Cờ quả thực là một thành tựu văn minh quan trọng của nhân loại. Từ góc nhìn với quan điểm lịch sử, Cờ Vua đã trở thành một trong những hiện tượng toàn cầu đầu tiên – khi những giá trị của nó đều được thừa nhận bởi các nền văn minh tiên tiến thời cổ trung đại. Nó đã đánh dấu bước phát triển hoàn thiện và vượt bậc về tư duy so với những giai đoạn trước.  Những qui luật, nguyên tắc nghiêm ngặt trong Cờ Vua cho ta thấy ý thức tôn trọng luật lệ, xã hội đã hình thành từ rất sớm. Các quân cờ được mô hình hóa từ những quân chủng thật sự từng tồn tại. Qua mỗi quốc gia, Cờ Vua lại có những biến đổi cho phù hợp với văn hóa địa phương, hình thành những phiên bản bản địa đa dạng. Các yếu tố này giúp ta có thề hình dung những tương tác văn hóa thời cổ trung đại đã diễn ra mạnh mẽ như thế nào./.

5 1 vote
Tặng sao khích lệ:

Cùng loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua  

<< Cuộc truy tìm và những tranh luận về nguồn gốc Cờ vua – p4

Email
Pinterest
Twitter
Facebook
Tuấn Long

Tuấn Long

Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng Blog cờ vua sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.

bình luận

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x