Đây là phần 4 trong loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua

P4

Cuộc truy tìm và những tranh luận về
nguồn gốc cờ vua

5 phút để đọc 

Nguyễn Tuấn Long

Soạn bài viết: Nguyễn Tuấn Long

Ở phần này, chúng ta sẽ xét đến những cứ liệu khảo cổ. Đây sẽ là một tiêu chí quan trọng để đi đến kết luận vùng đất nào mới thực sự là cái nôi của cờ vua.

I. Những hiện vật khảo cổ ở Ba Tư

2 quân cờ đã được tìm thấy ở Dalverzin-Tepe, Uzbekistan, có niên đại vào khoảng thế kỷ 2. Chúng mang hình dáng con voi và con trâu. Mốc thời gian này là quá sớm, và không có quân cờ nào liên quan đến “trâu” – trong tất cả phiên bản Cờ được biết đến nay. Vì vậy, một cách khái quát, những hiện vật này không được công nhận là quân Cờ. Tuy nhiên, chúng vẫn đáng được nhắc đến.

hình ảnh bài viết Cuộc truy tìm và những tranh luận về nguồn gốc Cờ vua - p4
2 quân cờ đã được tìm thấy ở Dalverzin-Tepe, Uzbekistan

Cho đến lúc này, những quân cờ cổ xưa nhất đuợc phát hiện ở Afrasiab  vào năm 1977,  trườc kia là vùng đất Sogdiana và nay thuộc Uzbekistan. Chúng là những hiện vật nhỏ được làm bằng ngà voi: 2 bộ binh, 1 quân Mã, 1 quân Tượng (có người ngồi trên), 1 quân có hình dạng như thú họ mèo, và 2 quân Xe khác nhau. Tất cả đều có niên đại từ thế kỷ 7, và chúng được tìm thấy trong các cuộc tìm kiếm, khảo cổ độc lập trên Con Đường Tơ Lụa cổ đại.

hình ảnh bài viết Cuộc truy tìm và những tranh luận về nguồn gốc Cờ vua - p4
những quân cờ đuợc phát hiện ở Afrasiab

Một bộ quân cờ khác lộ diện vào năm 2006, từ miền bắc Afghanistan. Miền bắc Afghanistan là Bactria cổ đại, cũng thuộc phạm vi Ba Tư.

Về tổng thể, có rất nhiều quân cờ được tìm thấy có niên đại từ thứ kỷ 7 đến thế kỷ 8, đến từ phương Đông Ba Tư (East Persia). Các nơi tìm thấy hiện vật đều trải dài theo Con đường Tơ Lụa. Chúng đều thuộc lãnh thỗ Ba Tư cổ, niên đại khớp với thời gian tồn tại của đế chế Sassanian

II Những hiện vật khảo cổ ở Ấn Độ

Đặt trong mối quan hệ so sánh, những hiện vật tìm thấy ở Ấn Độ có vẻ rất nghèo nàn. Thời tiết ẩm ướt và vật liệu chế tác các hiện vật là những vật liệu không bền có thể là lí do giải thích cho việc những cuộc khai quật đều không được thành công như những vùng khô ráo hơn ở Trung Á.

Với sự thật này, rất nhiều tranh luận đã xảy ra – vì nhiều học giả muốn chứng minh Ấn Độ là cái nôi của Cờ – nhưng lại không đủ cứ liệu. Một vài người cho rằng những hiện vật tìm thấy ở Lothal – có niên đại từ thời gian văn hóa Harappa (năm B.C 1900!) – chính xác là những quân cờ. Tranh luận này khá thú vị. Tuy vậy, mốc thời gian này là quá sớm, và những hiện vật có thể là bất cứ thứ gì khác (đồ chơi, đồ trang sức hay những vật dụng khác không liên quan đến Cờ…). Một vài hiện vật khác, lúc đầu cũng được tin là những quân Cờ, nhưng về sau, chúng được xác định thuộc về một loại trò chơi khác (có dùng xúc xắc).

hình ảnh bài viết Cuộc truy tìm và những tranh luận về nguồn gốc Cờ vua - p4
Những hiện vật tìm thấy ở Lothal. Chúng có thật sự là những quân cờ?

Đáng chú ý là một quân cờ bằng ngà voi – đại diện cho quân Xe – đã được tìm thấy ở Mântai, Sri Lanka, có niên đại vào khoảng thế kỷ 2 hoặc thế kỷ 3. Tuy nhiên, đến nay, đó vẫn là quân cờ riêng lẻ được tìm thấy (không có thêm một quân cờ nào khác có thể gộp vào cùng bộ như ở Ba Tư).

 Thật ra, có rất nhiều vật dụng nhỏ bằng sành sứ – hiện đang được trưng bày ở các bảo tàng Ấn Độ – có thể được sử dụng như những quân cờ (vật dụng với nhiều chức năng). Nếu ý tưởng này có thể được chứng minh, đó sẽ là nguồn hỗ trợ rất xác thực cho giả thuyết Cờ đã được phát minh từ Ấn Độ. Với lí do này, vào năm 2007, một đoàn khoa học gia người Đức đã đến miền Bắc Ấn Độ để điều tra thêm. Không một báo cáo khoa học nào về kết quả chuyến làm việc từng được công bố.

Ấn Độ ẩn chứa những dấu vết quan trọng để điều tra thêm, tuy vậy, những hiện vật – ít nhất vẫn chưa được hoàn toàn nhìn nhận/chứng minh là những quân cờ.

III. Những hiện vật khảo cổ ở Trung Quốc

Các văn bản cổ đại đã đề cập đến Cờ từ khá sớm, tuy vậy, một cách đáng thất vọng, những hiện vật liên quan đến Cờ lại rất ít. Người Trung Quốc chơi Cờ với những quân đại diện hình trụ tròn – tên gọi được viết bằng mực ở mặt trên. Họ không chế tác quân Cờ tượng hình ba chiều như Ba Tư, Ấn Độ. Quân cờ Trung quốc thường được chế tác bằng gỗ – một vật liệu không đủ bền để tồn tại qua hàng thế kỷ. Hơn nữa, mực để viết tên quân Cờ cũng sẽ phai dần sau vài năm. Những khó khăn này giải thích tại sao các quân cờ gỗ lại khan hiếm đến vậy. Chỉ một bộ Cờ gỗ được tìm thấy – với tình trạng không thật sự tốt. Niên đại của chúng rơi vào khoảng thời gian 1127 – 1279.

hình ảnh bài viết Cuộc truy tìm và những tranh luận về nguồn gốc Cờ vua - p4
Những quân cờ được tìm thấy ở Kaifeng (Khai Phong)

Một vài bộ cờ bằng đồng và gốm có niên đại sớm hơn (1102 -1106) vẫn sống sót. Tuy vậy, những mốc thời gian này vẫn là quá muộn so với Trung Á.

Tạm kết:

Với những chứng cứ khảo cổ học, những quốc gia cổ đại thuộc hệ ngôn ngữ Ba Tư đang chiếm ưu thế nhất định. Nếu Ấn Độ là nơi Cờ được sinh ra thì sự thiếu vắng các hiện vật khảo cổ (các quân Cờ cổ đại) thật sự là một ngạc nhiên lớn. Với Trung Quốc cũng vậy. Dù Ấn Độ và Trung Quốc đều có lý do để giải thích, và vẫn đang cố gắng tìm kiếm những hiện vật để củng cố cho vị thế của mình, chúng ta vẫn nên tiếp tục làm việc với những bằng chứng đã có được. Theo đó, điểm số có thể được phân bổ như sau:

Ba Tư: 3 điểm

Ấn Độ: 1 điểm

Trung Quốc: 1 điểm

(CÒN TIẾP)

5 2 votes
Tặng sao khích lệ:

Cùng loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua  

<< Cuộc tìm kiếm và những tranh luận về nguồn gốc của Cờ Vua (p3)

Cuộc tìm kiếm và những tranh luận về nguồn gốc cờ vua – p5 – phần cuối >>

0
Mình sẽ rất vui nếu bạn để lại bình luận!x
()
x