Đây là phần 1 trong loạt bài viết Underpromotion
Cuộc chiến đã ngã ngũ. Trong thế hơn cờ hoàn toàn, Nakamura quyết định không dứt điểm ngay, kéo dài trận đấu để tận hưởng sự trả đũa của mình và để đối thủ phải chịu đựng nhiều hơn… Với từng chốt còn lại trên bàn cờ, ông lần lượt đưa chúng đến ô phong cấp. Ván đấu đáng lẽ “xong” từ sớm – chỉ có thể kết thúc sau 155 nước, với thế cờ chiếu bí… 6 Mã.
Giới thiệu chung
Ví dụ trên là một tình huống cho việc phong cấp nhưng không phong Hậu. Xem nào, đây là trận chiến giữa một kỳ thủ top đầu thế giới và engine máy tính – Crafty.
Nakamura có lẽ chỉ muốn thư giãn, trêu đùa một chút, trả lại cho máy tính những uất ức đè nén mà nhân loại phải gánh chịu mỗi dịp thi đấu với chúng. Thật ra thì, kể từ lúc Kasparov nhận thất bại trước Deep Blue, con người đã không thể chiếm lại thế thượng phong mỗi dịp chiến đấu với máy tính nữa. Ai biểu Kasparov phán linh quá làm chi. Hồi xưa, khi còn đỉnh cao phong độ Kasparov bảo rằng sẽ có lúc, ồng thua trước một nữ kỳ thủ, rồi một máy tính. Y như rằng, Judith Polgar và Deep Blue lần lượt xuất hiện…
Trở lại chủ đề chính. Mình đoán là nhiều bạn cũng từng kéo dài ván cờ kiểu này. Có khi phong cấp nhưng không phong Hậu để làm đối thủ phải suy nghĩ, đắn đo thêm đôi chút trong cờ chớp. Hoặc cũng có thể, không phong Hậu do biết dù có phong thành quân nào thì cũng bị bắt mất ở nước đi tiếp theo.
Nhưng lẽ nào, ý nghĩa của việc phong cấp nhưng không phong Hậu – chỉ có vậy?
Chắc chắn là không!
Điều thú vị của việc phong cấp nhưng không phong Hậu:
Phong Hậu là lựa chọn phổ biến trong hầu hết các ván cờ. Thậm chí, những trang chơi cờ online nổi tiếng như chess.com, chessbase.com, lichess.org có hẳn lựa chọn cho phép bạn “mặc định phong Hậu” mỗi khi đưa chốt xuống hàng cuối.
Chính vì vậy, Những ván cờ có tình huống “Underpromotion” (khái niệm tiếng Anh chỉ việc phong cấp nhưng không phong Hậu) là những ván cờ ít nhiều có điểm khác lạ, độc đáo, sáng tạo. Dĩ nhiên, những tình huống không thèm phong Hậu đó phải có khả năng xoay chuyển cục diện ván cờ, chứ không phải nhây như kiểu Nakamura ở trên.
Hãy tự hào nếu bạn đã từng chơi một ván cờ mà đấu cuộc cho bạn cảm quan rằng mình nên phong cấp nhưng không phong Hậu. Đó hẳn phải là một tình huống rất rất rất đặc biệt. Theo mình, mọi kỳ thủ nên đưa việc này vào check list – những điều nên thử làm trên bàn cờ.
Mình đang tưởng tượng ra thế này… Bạn đang ưu thế. Nhưng đối thủ, trong khoảnh khắc sắp bỏ cuộc, lại nhìn ra một tia hi vọng hòa cờ, và giăng ra cho bạn cái bẫy cuối cùng. Nếu bạn phong Hậu thì hòa ngay tắp lự. Chỉ khi bạn bứt phá ra khỏi lối mòn mặc định, mạnh dạn phong cấp nhưng không phong Hậu thì mới thắng được.
Và bạn sáng suốt nhận ra tất cả điều đó – bước từng bước thật cẩn thận, phòng ngự rồi phản công mối đe dọa, tránh hết tất cả những hiểm nguy, an toàn đi xuyên qua một bãi đất trống giăng đầy địa lôi, rồi kết thúc ván cờ trong vinh quang…
Nghe thì lạ, nhưng chỉ cần xem qua ví dụ ở các bài viết tiếp theo, bạn sẽ hiểu rõ hơn.
Những ứng dụng trong các tình huống cụ thể
Ngoài việc không thèm phong Hậu để cho vui, Underpromotion còn được ứng dụng thế này:
- Underpromotion – Không thèm phong Hậu để phá bẫy hòa cờ.
- Underpromotion – Không thèm phong Hậu để thực hiện một đòn chiến thuật đặc biệt. Quân Mã thường được chọn cho mục tiêu này, với đòn tấn công đôi điển hình.
- Underpromotion để phòng thủ đợt tấn công, khi việc phong Hậu không thể giải quyết được vấn đề.
- Underpromotion để đưa cờ về thế hòa.
Mình sẽ lần lượt giới thiệu đến trong những bài viết sau.
bài viết có liên quan