Ở phần trước, những cứ liệu truyền miệng có thiên hướng ủng hộ Ấn Độ. Nhưng, chứng cứ từ những văn bản viết tay thực sự khiến ta phải suy nghĩ lại.
Đây là phần 3 trong loạt bài viết Nguồn gốc cờ vua
CUỘC TÌM KIẾM VÀ NHỮNG TRANH LUẬN VỀ NGUỒN GỐC
CỦA CỜ VUA
(P3)
7 phút để đọc
V. Những căn cứ từ các văn bản viết tay cổ (The Texts)
Ở cái nhìn đầu tiên, văn bản chữ viết đáng tin cậy hơn nhiều so với truyền thống. Tuy vậy, tham khảo nguồn tài liệu này cũng cần cẩn trọng. Các văn bản cổ xưa được giới thiệu đến chúng ta qua những bản sao chép, hoặc trích dẫn lại sau vài thế kỉ văn bản gốc được soạn. Người sao chép có thể đã cố gắng để “hoàn thiện” văn bản họ làm việc bằng những ý kiến cá nhân. Vì vậy, khi làm việc với những văn bản cổ, ta phải đối chiếu nó với những dị bản khác (nếu có tồn tại), và đây thường xuyên là vấn đề. Tuy vậy, đây là vấn đề của rất nhiều chương trong lịch sử, không chỉ riêng Cờ Vua, và chúng ta vẫn nên làm việc với nguồn tư liệu này.
a) Các văn bản cổ của Ba Tư
Văn bản cổ xưa nhất đề cập đến Cờ Vua thuộc về Ba Tư. Có ít nhất 3 văn bản khác nhau cho biết rằng trò chơi này rất được tầng lớp công vương, quý tộc Sassanian ưa thích.
Cổ xưa nhất trong số này là “Wizârîshn î chatrang ud nîhishn î nêw-ardakhshîr” (giải thích về Chatrang và sự phát hiện cây cam tùng), được viết vào khoảng năm AD 600 [1]. Quyển sách chép tay này kể về sự du nhập của Cờ Vua vào thời gian trị vì của vua Khusraw đệ Nhất (531 – 579). Tiếp theo là “Kârnâmag î Ardakhshîr î Pâbagân” (quyển sách kể về những thành tựu của Ardakhshîr – con trai Pâbag), được biên soạn vào đời vua Khusraw thứ 2 (590 – 628). Thứ ba là “Khusraw î Kawâdân ud Rêdag” (Khusraw – con trai của Kâwâd và những trang viết), cũng được viết vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 – thời gian đế quốc Sassanian vẫn tồn tại.
Tất cả những nguồn này đều chứng minh rằng trò chơi Chatrang đã được biết đến và trở nên phổ biến, ít nhất là đối với tầng lớp quý tộc từ rất sớm – vào khoảng đầu thế kỷ 7, hoặc thậm chí là cuối thế kỷ 6.
Sau đó ít lâu, người Ả rập thống trị đế chế Ba Tư. Họ cũng tiếp nhận trò chơi hoàng tộc này, và phát triển nó thành Satranji – một phiên bản cải tiến theo cách của người Ả rập. Văn bản tiếng Ả rập đầu tiên nói về điều này là một bài thơ của Farazdaq’s, được xuất bản vào năm 728. Sau đó, những quyển sách hướng dẫn hoàn chỉnh về luật chơi và khoa học, nghệ thuật chơi Cờ đã xuất hiện vào thế kỷ 9.
[1] theo nguyên cứu của Panaino
b) Các văn bản cổ của Ấn Độ
Một công trình văn học nổi tiếng được biên soạn trước thời đại của chúng ta là Râmâyana – đã đề cập đến từ “chaturanga”. Nhưng ở đây, nó mang nghĩa quân sự – đề cập đến quân đội bao gồm 4 binh chủng (bộ binh, kỵ binh, tượng binh và chiến xa) và chưa có liên hệ nào với Cờ cả.
Trong thời điểm này, chỉ có một văn bản tiếng Sanskrit có liên quan đến Cờ: “Harshacharita”. Văn bản này ghi lại lịch sử của vua Harsha của vương quốc Kânyakubja. Văn bản được soạn bởi Bâna – nhà thơ của triều đình – với nội dung ca ngợi sự trị vì của quốc vương: “trong vương quốc này, chỉ có những con ong cãi nhau để tranh sương, không có án hành hình dã man cho những người phạm tội, và chỉ từ ashtâpada người ta mới có thể học về chaturanga…”
Nghệ thuật chơi chữ được vận dụng xuyên suốt đoạn trích. “ashtâpada” là từ để chỉ bàn cờ. “Chaturanga” mang cả 2 hàm nghĩa: “trò chơi Cờ” và “quân lược, quân sự.” (câu thơ cuối đoạn trích – vì vậy – có thể được đọc theo 1 cách dễ hiểu hơn: “và chỉ trên bàn cờ, người ta mới có thể học về quân lược”.)
Một điều đáng ghi nhận là mặc dù Ấn Độ có truyền thống văn học phong phú và các thể loại trò chơi thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học cổ, những đề cập đến Cờ chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 850, và những dòng đề cập rất ngắn gọn, cung cấp rất ít manh mối cho việc xác định niên đại thật sự của trò chơi. Phải rất lâu sau đó, quyển sách đầu tiên miêu tả chi tiết, tường tận về trò chơi Chaturanga mới xuất hiện – quyển sách “Mânasollâsa” được viết bởi Mânasollâsa, hoàng tử của một vương quốc miền nam Ấn Độ vào đầu thế kỷ 12. Mốc thời gian này quả thực rất muộn – nếu Ấn Độ là nơi khai sinh Cờ Vua.
c) Các văn bản cổ của Trung Quốc
Một văn bản sớm được biên soạn ở Trung Quốc là “Xiangjing” – vào năm 569. Quyển sách này đã thất lạc, nhưng lời tựa của nó – được viết bởi Wang Bao (mất năm 576) vẫn tồn tại. Theo đó, quyển sách nói về một trò chơi có liên quan đến thiên văn – mang tên Xiangjing và được cho là được sáng tạo bởi hoàng đế Wudi (561 – 578). Liệu có phải trò chơi này là Cờ, hay một một loại hình trò chơi hoàn toàn khác – như Liubo[1]? Xiangjing chưa được chứng minh là Cờ, nhưng ngược lại, cũng không ai dám khẳng định đó không phải là một loại hình Cờ cổ đại. Đến nay, câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.
Một nguồn tham khảo chắc chắn – viết về Xiangqi với tư cách là phiên bản Cờ của Trung Quốc – là “Xuangai lu” (quyển sách của những điều bí ẩn) – được viết bởi Niu Sengru – một thành chủ của vương triều Tang (ông mất năm 847). Quyển sách miêu tả, hướng dẫn nước đi của một số quân cờ. Cùng thời tác phẩm này, một nguồn tin cậy khác là bài thơ của Bo Juyi vào năm 829 – cũng đề cập đến Cờ. Tuy vậy, chúng đều xuất hiện khá muộn – khi so sánh với những văn bản được tìm thấy ở Ba Tư.
[1] trò chơi huyền bí, đến nay manh mối về luật chơi gần như đã không còn tồn tại, nhưng tên trò chơi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lịch sử Trung Quốc. Bàn chơi và họa tiết Liubo xuất hiện trên nhiều hiện vật cổ đại như tiền đồng, gạch ốp, khiên và la bàn cổ đại…
Tạm kết:
Với sự tham dự của nguồn cứ liệu văn bản viết, Ba Tư chiếm ưu thế vượt trội. Từ góc nhìn của giả thuyết “gốc Ấn Độ” hoặc gốc “Trung Quốc”, vẫn có thể có những tranh luận, nhưng không tương đương về sức thuyết phục. Điểm số cho nguồn cứ liệu này có thể được phân bố như sau:
Ba Tư: 2,5 điểm
Trung Quốc: 1,5 điểm
Ấn Độ: 1 điểm.
(CÒN TIẾP)
5
2
votes
Tặng sao khích lệ:
chess.edu.vn original
Xin chào. Rất cảm ơn vì bạn đã ghé thăm. Chúng ta ở đây để cùng chia sẻ một niềm đam mê. Hi vọng chess.edu.vn sẽ có ích cho bạn. Trân trọng.
Nội dung từ Chess.edu.vn. Mọi quyền đều được bảo lưu. Vui lòng không sao chép, lưu trữ trên bất cứ nền tảng nào khác khi không có sự đồng ý từ tác giả.